Theo đánh giá của các công ty nghiên cứu thị trường và các doanh nghiệp sữa trong nước, tiềm năng tăng trưởng của mặt hàng sữa nước trong thời gian tới còn rất lớn. Đây cũng chính là cơ sở để các doanh nghiệp sữa nội đẩy mạnh đầu tư xây dựng thêm nhà máy và vùng nguyên liệu để giữ vững thị phần trong những năm tới.

sua-ngoai.jpg
Khu bồn chứa sữa của Nhà máy Sữa nước vừa được Vinamilk đưa vào hoạt động tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, tỉnh Bình Dương

Vài năm trở lại đây, người dân có xu hướng tiêu dùng sữa nước ngày càng nhiều, đặc biệt là sản phẩm sữa tươi tiệt trùng. Một phần do đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, phần nữa do nhận thức về tầm quan trọng của sữa đối với sức khỏe con người.

Chị Nguyễn Phương Dung, ngụ tại quận 8, TP HCM cho biết: “Cả gia đình đều uống sữa tươi, đặc biệt là sữa những hãng sữa của Việt Nam”.

Trên thị trường hiện có khoảng 10 thương hiệu sữa nước được người tiêu dùng ưa chuộng như:  Vinamilk, Cô gái Hà Lan của FrieslandCampina, TH True Milk, Nutifood, Hanoi Milk, Sữa Ba Vì, Sữa Mộc Châu, Sữa Long Thành… Dù gần đây thị trường đã xuất hiện một số nhãn hiệu sữa nước ngoại nhập, nhưng nhìn chung mặt hàng sữa nước của các doanh nghiệp trong nước vẫn chiếm ưu thế.

Theo đánh giá của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Vietnam, tính đến tháng 7/2013, thị phần sữa nước hiện nay chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp sữa nội, trong đó, Vinamilk nắm giữ 48,7% thị phần, kế đến là FrieslandCampina Việt Nam với 25,7% và TH True Milk là 7,7% thị phần.

Theo đánh giá của Nielsen Vietnam và các nhà sản xuất sữa trong nước, tiềm năng tăng trưởng thị trường sữa nước nói chung còn rất lớn, dựa trên tăng trưởng tự nhiên dân số và nhu cầu uống sữa của người Việt dự báo tăng trong các năm tới. Ông Trương Văn Toàn, Giám đốc đối ngoại và pháp lý của FrieslandCampina Việt Nam cho biết: “Mức tiêu thụ sữa ở Việt Nam hiện còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Cụ thể, ở Việt Nam tiêu thụ khoảng 15 lít/người/năm, trong khi Thái Lan 21 lít và Trung Quốc 25 đến 27 lít. Như vậy, tiềm năng thị trường là vẫn còn đối với người tiêu dùng Việt Nam, tôi quan tâm nhiều đến sức khỏe, chiều cao để cải thiện chiều cao của người Việt”

Nhận thức được điều này, gần đây các doanh nghiệp sữa nội đã tập trung đầu tư xây dựng, mở rộng thêm nhà máy, trong đó tuân thủ chặt chẽ các hệ thống quản lý chất lượng, cũng như an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Trong đó, đầu tư mạnh tay nhất vào lĩnh vực này là Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) khi doanh nghiệp này vừa đưa vào hoạt động “siêu nhà máy” sản xuất sữa nước tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, tỉnh Bình Dương với tổng vốn đầu tư 2.400 tỉ đồng. Nhà máy có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 400 triệu lít sữa/năm, bằng công suất của 9 nhà máy sữa hiện nay của Vinamilk gộp lại, và sẽ tăng lên 800 triệu lít sữa/năm trong giai đoạn 2.

Theo bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk, việc đưa nhà máy vào hoạt động sẽ giúp Vinamilk đạt mục tiêu tăng sản lượng sữa nước ở thị trường nội địa 10%/năm và doanh số 15%/năm, nâng thị phần sữa nước hiện nay từ 48,7% lên 60% trong thời gian tới.

Để nâng sản lượng thành phẩm sữa nước lên đến hàng trăm triệu lít mỗi năm, cùng với hàng trăm chủng loại chế phẩm sữa khác, Vinamilk đã đầu tư một cách bài bản vào hệ thống phát triển nguồn nguyên liệu theo tiêu chuẩn quốc tế từ khâu trồng cỏ, xây dựng chuồng trại, chế biến thức ăn cho bò đến quản lý thú y, môi trường xung quanh… Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk nói: “Đối với sữa tươi chúng tôi bắt đầu đầu tư từ năm 1990, kết hợp với bà con nông dân từ nhiều năm. Hiện nay, mỗi ngày Vinamilk thu mua từ trang trại và bà con nông dân gần 500 tấn sữa tươi/ngày, sản lượng này đáp ứng một nửa cho nhà máy mới. Vấn đề bây giờ là thiếu đất. Nếu có đất, chúng tôi tập trung xây dựng trang trại và tự chăn nuôi để kiểm tra được tất cả các chất lượng sữa và năng suất. Hiện chúng tôi đã có 5 trang trại và chuẩn bị thêm trang trại ở Tây Ninh, và 2 trang trại ở Thanh Hóa".

Đại diện FrieslandCampina Việt Nam cũng cho biết, từ nay đến cuối năm doanh nghiệp này sẽ đưa ra thị trường mặt hàng sữa bò tươi 100% nguyên chất, vốn đã bị ngưng sản xuất từ năm 2011 do sản lượng nguyên liệu không đủ cung cấp.

Bắt đầu gia nhập thị trường sữa vào năm 2008 với ngành hàng chủ đạo là sữa nước, đến nay các sản phẩm của Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH True Milk cũng đã có được chỗ đứng trên thị trường. Mặc dù chưa trực tiếp đầu tư nuôi bò trang trại, nhưng với mô hình liên kết với người nông dân trong việc đầu tư kỹ thuật, nhân giống, hỗ trợ các thiết bị thu mua sữa, FrieslandCampina Việt Nam cũng đang có trong tay lượng sữa bò tươi ở khắp các khu vực Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên với 35.000 con bò, tổng sản lượng sữa mỗi ngày khoảng 240 tấn. Ngoài Vinamilk, các doanh nghiệp sữa khác như FrieslandCampina Việt Nam, TH True Milk, Mộc Châu…, cũng đều có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, trang trại nuôi bò sữa hiện đại hoặc hỗ trợ nông dân nuôi bò để có đủ lượng sữa tươi đưa vào sản xuất. Hy vọng rằng, với thị trường sữa nước đầy tiềm năng, doanh nghiệp Việt sẽ nắm được cơ hội để giữ vững và nâng cao thị phần trong nước./.