Trong những ngày qua, tính thanh khoản trên thị trường chứng khoán khá tốt. Trong ngày 5/12, hơn 4.400 tỷ đồng đổ vào thị trường, Vn-Index hồi phục về sát mốc 960 điểm. Riêng sáng ngày 6/12, giá trị khớp lệnh 3 sàn đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Hiện nay, các nhà đầu tư đang tìm hiểu kỹ kết quả đầu tư, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý 3 để chọn mã cổ phiếu đầu tư. Đây cũng là cơ sở  để doanh nghiệp có niềm tin kết quả tăng trưởng tốt hơn trong quý 4 và kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng cả năm. 

Nhiều nhà đầu tư lớn đã chọn thời điểm này mua cổ phiếu dần, tránh mua nhiều dồn 1 lần vào dịp cuối năm gây biến động giá trên thị trường. Sự lựa chọn của nhà đầu tư thường tập trung vào những ngành nghề cụ thể, chiến lược kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp… chứ ít quan tâm đến những thông tin bên lề.

5d503aab67f1a546d48bb74928897786_vnf_chung_khoan_19_23_6_1_pvgm.jpg
Thị trường chứng khoán cuối năm sẽ diễn biến khó lường. (Ảnh minh họa: KT)

Chị  Nguyễn Thị Phúc, một nhà đầu tư đang tìm hiểu các mã chứng khoán của ngân hàng cho biết: “Thời điểm này hiệu quả hoạt động, kinh doanh của ngân hàng thì giới đầu tư chúng tôi quan tâm. Chúng tôi không còn quan tâm mua, bán dựa trên tin đồn của thị trường nữa”.

Theo các nhà  đầu tư, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhiều tín hiệu tốt, khi kinh tế vĩ mô được kiểm soát tốt, lãi suất ngân hàng ổn định, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 7%.  Điểm nổi bật là năm nay báo cáo tài chính quý 3 của nhiều doanh nghiệp đều cho thấy lợi nhuận tốt, nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Đầu tháng 12 này, nhiều ngân hàng đã đạt chỉ tiêu kinh doanh của cả năm. Điều này cũng đang được nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam chi nhánh tại TP. HCM cho hay, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường rất tốt. Điển hình là những lúc thị trường giảm nhà đầu tư nước ngoài lại chuyển sang mua ròng. Từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ vận động theo hướng tích cực hơn, xu thế tăng trưởng sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, quy mô thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nước trên thế giới chiếm hơn 200% GDP. Hiện, nền kinh tế nước ta có độ mở rất lớn, đứng thứ 7 trên thế giới nên thị trường chứng khoán không chỉ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nội tại trong nước mà còn chịu tác động rất lớn của thị trường thế giới.

Từ nay đến đầu năm 2019, diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước sẽ bị tác động bởi 2 yếu tố chính, đó là quan hệ thương mại Mỹ-Trung và việc Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Cụ thể, cuối tuần trước, khi Mỹ và Trung Quốc bắt tay “đình chiến" thương mại trong 90 ngày thì lập tức thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu đều tăng, nhưng sau đó lại quay đầu giảm  3%  điểm, vì nhiều nhà đầu tư chưa thực sự tin vào thỏa thuận này.

Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho rằng: “Với câu chuyện thương mại Mỹ và Trung Quốc, nhiều nhà đầu tư không tin cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia này sẽ chấm dứt sau thời gian tạm đình chiến 90 ngày. Thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ tác động rất lớn đối với thị trường Việt Nam, nên từ nay cuối năm có thể sẽ xoay theo xu hướng mối quan thương mại Trung – Mỹ chưa chấm dứt mà kéo dài sang 2019”.

Có thể thấy diễn biến thị trường chứng khoán thì nay đến cuối năm có xu hướng tăng giảm khó lường do sự tác động của tình hình thế giới. Tuy nhiên, thị trường trong nước vẫn đang đón được nhiều dòng vốn đầu tư, nhất là ở những mã cổ phiếu tốt do tín hiệu tăng trưởng tích cực của nền kinh tế năm nay./.