Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông sản sạch thích ứng với biến đổi khí hậu được xem là vấn đề cấp bách trong sản xuất nông nghiệp khi mà việc lạm dụng quá nhiều phân bón, thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh ảnh hưởng đến chất lượng hàng nông sản, gây hại sức khỏe người tiêu dùng.
Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống canh tác không sử dụng hóa chất làm phân bón, thuốc trừ sâu, giúp giảm thiểu ô nhiễm, bảo đảm sức khỏe cho người và vật nuôi. Nông nghiệp hữu cơ được xem là giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Một số sản phẩm nông sản sạch của núi rừng Trà My, tỉnh Quảng Nam. |
Việt Nam nằm trong 170 quốc gia có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên toàn thế giới. Từ năm 2007 đến năm 2015, diện tích canh tác và nuôi trồng theo mô hình hữu cơ trên cả nước tăng từ 12.000 ha lên hơn 76.000 ha. Hiện, cả nước có 33 tỉnh, thành phố hình thành các mô hình sản xuất hữu cơ.
TS. Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ NN&PTNT cho biết, nguy cơ hiện hữu của canh tác hóa học khai thác đến suy kiệt đất đai, nguồn nước.
Do đó, Bộ NN&PTNT khuyến khích hướng tới nông nghiệp hữu cơ, sử dụng phân hữu cơ, giảm phân hóa học và quản lý sâu bệnh theo hướng sinh học. Hiện Chính phủ đã ban hành những Đề án, Nghị định, những tiêu chuẩn, quy chuẩn tương đối hoàn chỉnh, nhưng vấn đề là những cơ chế, chính sách; đặc biệt là những tổ chức để chứng nhận, thẩm định hữu cơ vẫn chưa được hình thành.
“Trong thời gian sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục hoàn thiện để nhanh chóng đưa sản phẩm hữu cơ được chứng nhận vào sản xuất. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục tổ chức những mô hình để chứng tỏ việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải có một tổ chức rất chặt chẽ, phải có chứng nhận sản phẩm thì giá bán mới sản phẩm mới cao, mang lại hiệu quả cho người sản xuất”, TS. Trần Văn Khởi nêu rõ./.
Hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ bền vững
Thủ tướng: “Nông nghiệp hữu cơ không thể phát triển ồ ạt”