Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Iceland, Na Uy, Latvia, Đan Mạch, trong Chiến lược dệt may mới của Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra những yêu cầu mới nhất về sản phẩm phải có thiết kế để đáp ứng yêu cầu tái chế.
Các quốc gia Bắc Âu sẽ thiết kế nhãn sinh thái cho các sản phẩm với những yêu cầu khắt khe hơn đối với sợi tự nhiên và sợi tổng hợp. Sợi dệt phải là sợi hữu cơ, tái chế hoặc có nguồn gốc sinh học. Bông được sử dụng trong quần áo không được làm từ sản phẩm biến đổi gen (GMO) và phải là 100% hữu cơ hoặc tái chế. Len cũng phải được chứng nhận hữu cơ hoặc tái chế. Đối với quần áo bảo hộ lao động, sợi tổng hợp phải được tái chế hoặc làm từ nguyên liệu thô tái tạo.
Các nước châu Âu cũng yêu cầu cao hơn về độ bền và chất lượng sản phẩm. Vải dệt phải được thử nghiệm để đảm bảo các tiêu chí mới về độ bền như độ mài mòn, độ phai màu, độ giãn đứt, độ bền đường may, cũng như độ bền màu khi tiếp xúc với mồ hôi và nước bọt. Các bài kiểm tra này dựa trên tiêu chuẩn ISO.
Đáng lưu ý, trong số các hóa chất sẽ bị cấm liên quan đến sản phẩm dệt may có chất CMR (chất gây ung thư, đột biến, hoặc ảnh hưởng đến khả năng sinh sản) và hóa chất có chứa silicon. Sản phẩm dệt may cũng cần phải chứng minh rằng năng lượng được sử dụng như giặt, sấy, tẩy trắng và bảo dưỡng liên quan đến nhuộm, in và hoàn thiện hàng dệt,… Tất cả những quy định này nhằm tăng chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may.
Theo Bà Nguyễn Hoàng Thúy, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Iceland, Na Uy, Latvia, Đan Mạch, với chiến lược này, các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trong chuỗi giá trị, kể cả khi chúng trở thành chất thải. Hệ sinh thái hàng dệt may tuần hoàn đang phát triển mạnh, được thúc đẩy bởi năng lực tái chế sợi thành sợi sáng tạo.
Trong đó, dệt may, da giày Việt Nam là 2 trong những sản phẩm, hàng hóa có sự tăng trưởng xuất khẩu tương đối cao vào thị trường EU thời gian qua, nhờ được hưởng ưu đãi thuế từ Hiệp định EVFTA. Do đó, doanh nghiệp dệt may, da giày cần đặc biệt lưu ý đến những thay đổi của thị trường.
Cụ thể trong thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may và giày dép Việt Nam cần nghiên cứu và đổi mới theo các xu thế và quy định trên. Đồng thời, đi tắt, đón đầu các xu hướng để bứt phát thành công./.