Bên cạnh đó là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy là chưa thực sự quyết liệt...
6 tháng đầu năm nay, toàn quốc xảy ra gần 850 vụ cháy làm chết 41 người, thiệt hại gần 415 tỷ đồng. Mới đây, tại Đà Nẵng, 1 căn nhà là tiệm bán tạp hóa trên đường Trưng Nữ Vương (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) bất ngờ bốc cháy dữ dội vào chiều ngày 7/8 đã khiến 3 mẹ con tử vong.
Còn tại TP.Hà Nội, trưa ngày 1/8, xảy ra cháy quán karaoke trên phố Quan Hoa (Cầu Giấy) khiến 3 chiến sỹ cảnh sát PCCC&CNCH hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.
Một trong những "nghi phạm" gây ra vụ cháy để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xuất phát từ việc hàn xì. Trước những năm gần đây, trên địa bàn cả nước cũng từng xảy ra nhiều vụ cháy ám ảnh mà nguyên nhân do bất cẩn, vi phạm các quy định về phòng chống cháy nổ khi tiến hành sửa chữa, hàn xì các công trình.
Theo thạc sỹ Nguyễn Thanh Tân (Khoa cơ khí chế tạo – trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) khi làm việc với hàn cắt, xác xuất gây cháy nổ là rất lớn. Do đó, người làm việc trong môi trường này cần hết sức chú ý.
“Để quá trình cháy diễn ra được thì chúng ta phải có 3 yếu tố, yếu tố thứ 1 là phải có chất cháy, yếu tố thứ 2 là phải có chất oxy hóa, yếu tố thứ 3 là có chất mồi cháy.
Như vậy trong quá trình chúng ta hàn ở nhiệt độ cao, nếu mà chúng ta hàn mà chúng ta không có quan tâm đến môi trường xung quanh của mình thì nguy cơ cháy nổ rất là lớn", thạc sỹ Nguyễn Thanh Tân lưu ý.
Sự lơ là, chủ quan của người dân đối với “giặc lửa” là nguyên nhân chính gây nhiều vụ cháy lớn. Người dân có thể chi hàng trăm triệu đồng để mua sắm trang thiết bị hiện đại trong gia đình nhưng lại không bỏ ra vài trăm nghìn đồng để mua những thiết bị báo cháy, bình chữa cháy...
Chưa hết, người dân cũng đang mải “chống trộm hơn chống cháy”. Nghịch lý này tạo nên những ngôi nhà được lắp đặt lồng sắt, bịt kín mặt tiền, chặn hết các phương án thoát nạn khẩn cấp. Khi xảy ra hỏa hoạn, căn nhà như chiếc lồng kiên cố nhốt các nạn nhân trong đó.
Tiến sỹ Võ Kim Cương (nguyên Kiến trúc Sư trưởng TP.HCM) cho biết, hiện nay nhiều công trình nhà ở riêng lẻ ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… được thiết kế theo kiểu nhà ống, xây dựng kiên cố để phòng trộm dẫn đến quên tạo lối thoát hiểm.
Do đó, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, thì cơ quan chức năng địa phương cần giám sát chặt chẽ, có thể nghiên cứu, vận dụng khéo léo lồng ghép quy định khi xin cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ phải có giải pháp thoát hiểm.
“Các nhà ở riêng lẻ, ở cấp quận lại không chú ý lắm đến chuyển quản lý chặt chẽ về tiêu chuẩn về PCCC. Ví dụ như bây giờ trong giấy phép không có nói là đằng trước làm song sắt, khi làm xong nhà thì người ta làm song sắt đằng trước. Cái chuyện này có khi không chỉ là quy chuẩn mà phải tuyên truyền cho dân thấy tầm quan trọng của việc là phải có lối thoát hiểm", Tiến sỹ Võ Kim Cương cho biết.
Theo Đại tá Huỳnh Ngọc Quan (Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy, thuộc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ TP.HCM) bên cạnh việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng thì ý thức người dân rất quan trọng.
Ông Quang nêu thực tế hiện nay tại nhiều chung cư cũ, tình trạng câu mắc điện chằng chịt, sử dụng các thiết bị điện không an toàn, việc lấn chiếm hành lang, vô hiệu hoá thang thoát hiểm… đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
“Đối với nhà ở chung cư mà xây dựng trước năm 1975 hoặc là xây dựng trước khi có luật PCCC thì cái tình trạng hiện nay là nguy cơ tiềm ẩn đó là cái vấn đề là các hệ thống điện không an toàn. Câu móc thì chằng chịt, thiết bị thì không đảm bảo các quy định, quy chuẩn. Do vậy, vấn đề cháy tại các chung cư là đa phần là cháy từ các sự cố điện", Đại tá Huỳnh Ngọc Quan cho biết.
Trước tình cháy nổ ngày càng phức tạp, gây thiệt hại cả về người và tài sản, Bộ Công an chỉ đạo các địa phương thành lập ngay "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng". TP.HCM là đơn vị đầu tiên triển khai mô hình này.
Theo đó, từ 5 - 10 hộ gia đình liền kề nhau sẽ thành lập thành một Tổ liên gia phòng cháy chữa cháy. Mỗi hộ trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá vỡ và lắp đặt 1 chuông báo cháy tại tầng 1. Khi xảy ra hỏa hoạn, người dân chỉ cần bấm chuông, hệ thống kích hoạt phòng cháy sẽ thông báo cho các nhà còn lại biết để hỗ trợ kịp thời.
Còn điểm chữa cháy công cộng được triển khai tại khu dân cư có hẻm tập trung nhiều nhà, sâu, xe chữa cháy không tiếp cận khi chẳng may xảy ra cháy.. Khi hỏa hoạn, người dân tại chỗ có thể sử dụng để chữa cháy, bảo vệ tính mạng và tài sản trước khi lực lượng chuyên nghiệp đến hiện trường.
Thượng tá Vũ Văn Long (Phó Trưởng Công an Quận 4) nhấn mạnh: “5 phút đầu, đây là thời điểm vàng và quyết định trong công tác chữa cháy, cũng như thoát nạn của bà con. Cho nên, chúng tôi triển khai đồng bộ và quyết liệt, tất cả 13 phường đều phải thực hiện là mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng..”.
Có thể thấy, để hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả đau lòng và những mất mát, hy sinh, đã đến lúc công tác PCCC, phòng chống cháy nổ tại mỗi hộ gia đình, mỗi cơ quan, doanh nghiệp và các điểm kinh doanh cần phải được coi là nhiệm vụ sống còn, phải được quan tâm và đầu tư đúng mức.
Ngoài những trang thiết bị bắt buộc phải có theo quy định, lối thoát hiểm, cần nghiên cứu, xem xét, bắt buộc phải đầu tư, trang bị những trang thiết bị hiện đại, phù hợp hơn nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ cháy nổ, giảm bớt những thiệt hại có thể xảy ra, nhất là về nhân mạng.
Ngoài ra, cần xử lý mạnh tay hơn đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, các điểm kinh doanh các loại hình dịch vụ có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao nhưng thiếu các biện pháp an toàn để phòng ngừa, ngăn chặn và vi phạm công tác PCCC.
Phòng chống “giặc lửa”: không thể thờ ơ, chủ quan
Những ngày qua, khắp trong Nam, ngoài Bắc; ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy để lại hậu quả rất thương tâm; gây rung động. Nhiều người tử vong, kể cả lực lượng chuyên nghiệp là cảnh sát phòng cháy chữa cháy.
Hy sinh của họ là vô cùng lớn lao, không thể kể hết vì sự sống và bình yên của nhân dân. Cuộc chiến với “ giặc lửa” ngày càng khốc liệt, kèm theo các mất mất đớn đau, không gì có thể thay thế vì sinh mạng con người là quý giá nhất.
Vấn đề lúc này là mỗi người chúng ta khi đã nhìn nhận rõ nguyên nhân, thực hiện nhiều biện pháp nhưng vì sao vẫn để xảy ra các vụ cháy lớn, khiến nhiều người thiệt mạng đến vậy? Câu trả lời đầu tiên vẫn là ý thức trách nhiệm của các cơ quan quản lý và mỗi người, mỗi gia đình trong việc thực hiện các hành động cụ thể để phòng cháy chữa cháy.
Những hành vi nhỏ nhất như thắp nhang quên không tắt; đốt vàng mã thiếu kiểm soát; hệ thống điện trong gia đình xuống cấp, cũ kỹ không được thay thế. Thợ hàn xì thao tác không an toàn, hay chất chứa nhiều đồ dễ cháy trong nhà. Khi cháy không có lối thoát hiểm.
Cơ quan, công sở, xí nghiệp dễ dãi, lơ là trong đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Cơ quan quản lý nhiều nơi chỉ tập trung tuyên truyền, phổ biến, thiếu kiểm tra, giám sát và xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.
Trong khi chế tài, quy định cũng thiếu thống nhất, đôi khi chồng chéo và không được thực thi nghiêm túc, khiến các văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy thì nhiều nhưng triển khai trên thực tế còn ít hoặc làm qua loa, chiếu lệ. Bình chữa cháy không đủ hóa chất, vòi phun nước không có nước vv…
Đây là thực trạng đang diễn ra, khá phổ biến. Chưa kể các thao tác bình tĩnh,linh hoạt, xử lý tình huống khi đối diện với lằn ranh sinh tử của đa số mọi người khi cháy xảy ra đều không được trang bị và huấn luyện; nhiều người thờ ơ, chủ quan, không tự học hỏi.
Theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia phòng cháy chữa cháy, khi đám cháy lớn xảy ra, thời gian vàng để một nạn nhân có thể thoát được là khoảng 10 phút trở lại. Quá thời gian này, đám cháy, vật liệu cháy sẽ tạo ra các khí độc khiến người trong đám cháy khó có khả năng vùng vẫy, thoát ra.
Việc đơn vị chuyên nghiệp mang xe cứu hỏa để giải thoát nạn nhân là rất hiếm vì việc triển khai đội hình nhanh nhất cũng vài chục phút, chưa kể không phải nơi nào đường sá cũng thuận lợi để xe có thể tiếp cận.
Nói điều này để thấy, đối phó với giặc lửa là một hệ thống các kỹ năng mềm từ ý thức tâm thế thường trực trong mỗi người, mỗi đơn vị. Luôn luôn hiểu rằng nhà mình, cơ quan, đơn vị mình có thể xảy cháy bất cứ lúc nào để có hướng đề phòng, cảnh giác.
Bên cạnh đó là sự trang bị về công cụ, dụng cụ như bình chữa cháy, chuông báo động để sẵn sàng dập tắt ngay từ lúc đám cháy mới phát sinh; chủ động có lối thoát hiểm lúc nguy nan. Các yêu cầu này cần phải tự trang bị đáp ứng và tự đào tạo; tập luyện thường xuyên dưới sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn. Không coi nhẹ, thờ ơ khi được nhắc nhở về phòng cháy chữa cháy.
Các đơn vị, cơ quan quản lý theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động phòng cháy chữa cháy từ nhà dân đến cơ sở sản xuất kinh doanh, tòa nhà, công sở. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Truyền thông để người dân hiểu, thực hiện và làm theo các hướng dẫn.
Hiện đại hóa trang thiết bị, xe cứu hỏa; xây dựng các phương án hợp đồng lực lượng ngay tại địa bàn để khi xảy cháy là phát hiện và dập lửa hiệu quả.
Hiện nay, “giặc lửa” đang tấn công vào từng gia đình, ngõ phố, con hẻm, khu dân cư, thôn bản, xóm ấp. Xin đừng thờ ơ, lơ là và chủ quan; nếu không cái giá phải trả là rất đắt.