Nhiều năm nay, ngư dân ở các làng biển huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định giàu lên trông thấy. Nhờ đi biển, nhiều gia đình xây nhà cao tầng, sắp xe, sở hữu những đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu, thành lập doanh nghiệp thu mua hải sản, đại lý bán xăng dầu... Thành công của những ngư phủ làng biển Hoài Nhơn, ngoài kinh nghiệm đi biển, chăm chỉ, nhạy bén trong kinh doanh, còn nhờ được tiếp sức từ nguồn vốn vay của ngân hàng.

Đi dọc làng chài Thiện Chánh, phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định không khó bắt gặp những biệt thự, nhà cao tầng thấp thoáng bên những hàng dừa. Trước là những ngư dân nghèo khó, sau thời gian dài làm ăn tích góp, nhờ sự “tiếp sức” nguồn vốn vay của ngân hàng họ dần làm ăn lớn. Từ 1 con tàu đóng thêm vài tàu đánh bắt xa bờ, rồi mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực thu mua hải sản, buôn bán ngư cụ…

Ông Trần Văn Gia, Giám đốc Công ty TNHH Hải Nguyên chuyên mua bán thuỷ sản ở phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn cho biết, trước đây ông từng có tàu đi đánh bắt cá ngừ đại dương. Vốn vay ngân hàng như “bà đỡ” giúp ông có cơ ngơi như ngày hôm nay. Công ty của ông Gia liên kết thu mua hải sản với 250 chủ tàu cá trong làng. Mỗi chuyến đi biển, ông ứng trước cho mỗi tàu cá 150 triệu đồng, khi vào bờ, các chủ tàu cá này bán lại hải sản cho ông.

Mỗi năm, Công ty Hải Nguyên thu mua khoảng 3.000 tấn hải sản các loại cung cấp cho các nhà máy chế biến. Ông Trần Văn Gia không ngại ngần cho biết, tổng doanh thu của công ty mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, thành quả này một phần nhờ sự tiếp sức vốn vay của ngân hàng.

“Lúc đầu tôi vay ngân hàng chỉ 20 triệu đồng, nhưng đến bây giờ nhiều tỷ đồng. Chính ngân hàng đã tạo nên tôi có tài sản như bây giờ cho nên luôn xem như bà đỡ cho tôi. Sau dịch ngân hàng cũng đẩy mạnh cho doanh nghiệp vay phục hồi và được giải quyết rất chu toàn" - ông Gia bày tỏ. 

Nhắc đến các tỷ phú làng chài Thiện Chánh, ai cũng biết ông Bùi Văn Ninh với cái tên thân mật “Sáu Ninh”. Từ một ngư dân giỏi đánh bắt, ông Ninh chuyển dần từ tàu nhỏ sang tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ hơn. Sau này, nghề biển “hưng thịnh”, ông Sáu Ninh cùng sở hữu đội 15 tàu cá đánh bắt xa bờ.

Cách làm của ông Sáu Ninh khá “dị”, đó là ông cho ngư dân vay 2/3 số tiền đóng mới mỗi tàu cá, không tính lãi, còn lại 1/3 ông sở hữu. Ngư dân có trách nhiệm trả dần số tiền gốc theo mỗi chuyến biển. Sau này, ai cũng trở thành anh em, bạn bè. Ông Sáu Ninh cho biết, mình làm ăn với ngân hàng từ những ngày đầu lập nghiệp. Nhờ làm ăn uy tín, trả nợ đúng hạn, ông được ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận các khoản vay, nhờ đó mà càng “ăn nên làm ra”.

Ông Sáu Ninh chia sẻ: “Năm 1993 bắt đầu làm ăn với ngân hàng, từ vốn ngân hàng đó nảy nở ra. Sau khi hình thành đội tàu đánh bắt của gia đình từ 1 chiếc, 2 chiếc nở ra đến bây giờ. Nói chung không phải riêng cá nhân mình, đa số bà con ngư dân được ngân hàng cùng kề vai sát cánh".

Giờ đây, tại làng chài Thiện Chánh, phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định không kể hết những “ngư dân tỷ phú”. Phần lớn trong số họ đều quan hệ làm ăn và trở thành khách hàng thân thiết của ngân hàng.

Theo đại diện của một ngân hàng có chi nhánh tại Hoài Nhơn cho biết, hiện, dù nghề biển có lúc thăng lúc trầm, nguồn lợi thủy sản ngày một khan hiếm, giá bán hải sản giảm… nhưng mỗi khi ngư dân có nhu cầu tín dụng, ngân hàng vẫn luôn là lựa chọn của họ./.