Thông tin do Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cung cấp. Các loại hợp chất này nằm trong danh mục được phép sử dụng để diệt rầy xanh và bọ cánh đỏ trên chè ở Việt Nam.
Theo thông tin của Hiệp hội chè Việt Nam (Vitas), số hàng bị trả lại được thông báo có dư lượng 2 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật Acetamiprid và Imidacloprid vượt mức cho phép của các nước EU- khu vực được coi là có những quy định khá ngặt nghèo về những tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại Việt Nam, hiện nay, trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật, 2 hợp chất vừa nêu vẫn được sử dụng trên chè, nhưng theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật, vào tháng 1/2013, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 03 về Quản lý thuốc Bảo vệ thực vật, trong đó quy định 2 hoạt chất này chỉ được sử dụng trên chè cho đến tháng 8/2015. Hiện chúng ta đang thực hiện lộ trình để loại bỏ 2 hoạt chất này khỏi danh mục thuốc Bảo vệ thực vật trên chè ở Việt Nam.
“Chúng tôi đã có văn bản gửi cho các Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố trồng chè trong cả nước đề nghị các Chi cục này hướng dẫn cho các địa phương và hướng dẫn toàn thể mạng lưới bảo vệ thực vật kiểm soát chặt 2 hợp chất này”, ông Hồng nói.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục bảo vệ thực vật cũng đã khuyến cáo các doanh nghiệp, trước khi xuất khẩu chè sang các nước phải gắt gao đảm bảo dư lượng đối với 2 hoạt chất này, đồng thời cần kiểm soát tốt vùng nguyên liệu chè của mình đảm bảo không sử dụng các hoạt chất nói trên.
“Cục bảo vệ thực vật cũng đưa ra một số danh mục thuốc bảo vệ thực vật an toàn hơn, hiệu quả hơn để các địa phương hướng dẫn bà con sử dụng thay thế. Các loại thuốc này đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu của các nước nhập khẩu, từ đó có điều kiện duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng hiệu quả sản xuất chè và an toàn thực phẩm không những cho các nước xuất khẩu mà cả ở trong nước”, ông Nguyễn Xuân Hồng nêu rõ./.