Giá rẻ bất ngờ!
Lên Hà Giang, Lạng Sơn mùa này, dễ bắt gặp những vườn hồng trĩu quả, đỏ ối cả một vùng. Do giá thu mua tại vườn đã ở mức trên dưới 20.000 đồng/kg nên chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước loại hồng được các tiểu thương ở Hà Nội chào bán với mức giá chỉ khoảng 10.000đ/kg kèm lời khẳng định: Hồng “ta”!
Tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), hồng Trung Quốc được bày bán tràn lan để sau đó được người bán dạo bán lại trên các vỉa hè, lề đường Thủ đô. “Mỗi thùng hồng được mua tận gốc với giá khoảng 80.000đ/thùng 20kg” - một thương lái cho hay. Nhẩm tính, chỉ cần bán ra với mức giá 20.000đ/kg đã có thể thu lãi gấp 5 lần.
Trong điều kiện môi trường bình thường, quả hồng chỉ tươi ngon được trong vài ngày. Để “khắc phục” tình trạng này, không ít lái buôn đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm “kìm” quá trình chín của quả, chống thối rữa.
“Thời gian vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam không ngắn, chưa kể các công đoạn hái quả, đóng gói…, nếu không có thuốc bảo quản thì không thể khiến quả hồng ngâm tươi ngon trong một thời gian dài”, PGS. Trịnh Lê Hùng, ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN khẳng định.
Cũng theo ông Trịnh Lê Hùng, thuốc bảo quản thực vật trên hoa quả có thể chui vào các tế bào lục lạp trong quả hồng và đóng chặt trong đó, khiến vỏ quả hồng cứng lại và ruột quả hồng bị ngấm thuốc. Nếu ruột quả đã ngấm thuốc thì các biện pháp tẩy rửa thủ công như rửa bằng nước sạch, ngâm trong nước muối cũng đều không có tác dụng.
Nhận diện hồng Trung Quốc
Trên thị trường có loại hồng chín xuất xứ Trung Quốc vỏ đỏ sẫm trông rất bắt mắt. Loại này có hình dáng dài, nhọn giống hồng trứng của Đà Lạt, nhưng hồng Đà Lạt vỏ vàng cam.
Khi ăn hồng Trung Quốc cũng ngọt nhưng bọng nước, không thơm. Loại hồng giòn, trái vuông là hồng Trung Quốc, giá chỉ từ 25.000 - 30.000đ/kg. Loại này để được cả tuần, trong khi hồng ngâm Đà Lạt để lâu sẽ bị mềm, hỏng, giá 40.000 - 50.000đ/kg.
Riêng hồng Đà Lạt có hơn chục loại, nhưng thị trường đang bán phổ biến khoảng 3, 4 loại. Nhìn tổng thể, hồng được phân ra hai loại: Hồng chín mềm và hồng xanh, giòn.
Thực tế, loại hồng xanh nào cũng qua khâu ngâm nước sạch hoặc nước vôi. Còn hồng chín thì qua khâu ủ khí đá nên bằng cảm quan, ngay cả người bán cũng khó nhận biết. Nhưng khi ăn thì loại hồng thúc chín bằng hóa chất dù quả chín đều, màu vỏ đẹp nhưng vị nhạt, chát chứ không ngọt, thơm.
Hồng ngâm vôi bên ngoài vỏ có lớp phấn trắng, khác với loại hồng Trung Quốc thường được tiêm hóa chất thẳng vào cuống, nên phần cuống thường bị thâm đen, thối dần.
Ngoài ra, thị trường còn có hồng Hà Nội (hồng Bắc) trái nhỏ, vỏ màu vàng xanh (hồng giòn) và vàng cam (chín), giá 40.000 - 60.000đ/kg. Loại hồng trứng không hạt của Đà Lạt đầu trái bằng, hơi vuông. Qua ủ khí đá, hồng sẽ chín ngọt, dẻo, thơm; qua ngâm nước giếng hoặc nước vôi, hồng sẽ giòn, ngọt, không bị chát.
Bên cạnh đó còn có loại hồng Tám Hải trái vuông, cao, người bán thường gọi là hồng chén. Hồng chín mua về nên ăn ngay, nếu để qua ngày, nên cất trong tủ lạnh nhưng cũng không nên để quá 3, 4 ngày, vì hồng sẽ bị nhũn, giảm độ ngọt. Còn hồng xanh để lâu sẽ bị mềm, mất độ giòn, ăn không ngon./.