Thực hiện đề nghị của UBND tỉnh Kon Tum về việc hỗ trợ người trồng sâm Ngọc Linh khắc phục thiệt hại do cây trồng bị dịch bệnh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum đang tiến hành xác minh mức độ thiệt hại cụ thể của từng hộ dân để có chính sách hỗ trợ.
Thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum cho thấy, hiện tại hai huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei có 953 hộ dân vay vốn tín dụng chính sách đầu tư trồng sâm Ngọc Linh với tổng dư nợ trên 62 tỷ đồng.
Theo khảo sát ban đầu của Ngân hàng, tại huyện Tu Mơ Rông số hộ có sâm Ngọc Linh bị chết là 87 hộ với tổng dư nợ 6 tỷ đồng. Tại huyện Đăk Glei số hộ có sâm Ngọc Linh chết là 9 hộ với dư nợ 380 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách và xã hội tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị đang phối hợp với chính quyền 2 huyện xác minh mức độ thiệt hại để có chính sách hỗ trợ cho các hộ dân theo quy định tại Quyết định số 08 ngày 11/3/2021 của Thủ Tướng Chính phủ.
Theo ông Chung: “Ngân hàng cũng đã chủ động phối hợp các phòng, ban liên quan và chính quyền địa phương đi xác minh cụ thể từng hộ vay vốn. Nếu mà có thiệt hại do nguyên nhân khách quan gây ra thì sẽ lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý rủi ro.
Có ba biện pháp trong quy định xử lý rủi ro. Thứ nhất gia hạn nợ tổng giá trị thiệt hại dưới 40%. Khoanh nợ có 2 cái, khoanh nợ 3 năm tổng giá trị thiệt hại từ 40% đến 80%. Khoanh nợ 5 năm thì tổng giá trị thiệt hại trên 80%. Xem xét ở mức nào thì đề nghị khoanh nợ ở mức đó”.
Trước đó, trong tháng 7/2022, VOV có phản ánh do thời tiết bất thường và bệnh hại khiến hàng chục nghìn cây sâm Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei, tỉnh Kon Tum bị chết.
Trước thiệt hại của người trồng sâm Ngọc Linh với chủ yếu là hộ dân tộc thiểu số Xơ Đăng, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản yêu cầu sở, ngành liên quan, doanh nghiệp và chính quyền hai huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei có giải pháp hỗ trợ người trồng sâm Ngọc Linh khắc phục thiệt hại./.