Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp gì cải thiện thị trường chứng khoán? Trả lời câu hỏi này tại buổi giao lưu với nhân dân trên cổng thông tin điện tử Chính phủ điện tử, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Việc ngân hàng bơm vốn để cải thiện thị trường chứng khoán là biện pháp sai về bản chất. Do vậy, về căn cơ, phải lập lại trật tự trên 2 thị trường này, thị trường tiền tệ phải trở lại với vai trò của nó, thì thị trường vốn mới phát triển được”.
Làm rõ hơn ý kiến này, ông Nguyễn Văn Bình phân tích: Thị trường tiền tệ là thị trường vốn ngắn hạn, dưới một năm và là thị trường sử dụng tiền tạm thời nhàn rỗi trong nền kinh tế. Khi bạn có tiền nhàn rỗi, bạn gửi tiền ở ngân hàng để ngân hàng giữ hộ tiền và để sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Thêm vào đó, các ngân hàng có thể kinh doanh khoản tiền đó, tạo lợi nhuận và trả cho bạn một lãi suất nhất định. Do đó, lãi suất phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng và được điều tiết trên cơ sở chính sách tiền tệ của NHNN trong từng thời kỳ.
Còn thị trường vốn mang tính trung và dài hạn. Để doanh nghiệp phát triển lành mạnh, thì người ta chỉ đến vay ngân hàng khi cần sử dụng vốn lưu động. Tất nhiên có những doanh nghiệp lành mạnh vay vốn của ngân hàng để đầu tư. Trong bể vốn của ngân hàng, sau một thời gian thống kê, dù tỷ lệ thời hạn có thể khác nhau, nhưng có một tỷ lệ vốn đọng lại có thể mang ra cho vay trung và dài hạn. Chính vì vậy, NHNN quy định tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn không được vượt quá 30% vốn ngắn hạn. Tiền gửi vào luôn luôn là ngắn hạn và có thể rút ra bất cứ lúc nào, nhưng tỷ lệ vốn luôn đọng lại trong hệ thống ngân hàng vào khoảng 30%. Cho nên, bên cạnh cho vay vốn lưu động, các tổ chức tín dụng có thể cho vay vốn đầu tư một tỷ lệ nhất định.
Về vấn đề ngân hàng dùng tiền ngân hàng cho vay chứng khoán để giúp thị trường chứng khoán cải thiện hơn, nếu ngân hàng sử dụng trong tỷ lệ cho phép thì có thể được, không ảnh hưởng đến tính chất dòng vốn của thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, nếu ngân hàng sử dụng quá tỷ lệ này, thì vừa ảnh hưởng đến ngân hàng, vừa ảnh hưởng thị trường chứng khoán. Do vậy, về bản chất, không thể dùng vốn ngắn hạn của ngân hàng để cho vay trên thị trường chứng khoán là thị trường vốn trung và dài hạn, mà ngân hàng chỉ có thể cho vay một tỷ lệ nhất định. Thời gian qua chúng ta đã làm đúng như thế.
Còn trong tình hình hiện nay, do chúng ta đang thắt chặt tín dụng, ưu tiên tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thì tỷ lệ nói trên đã giảm xuống rất thấp, hiện khoảng 3%.
“Chúng tôi khẳng định tất cả những biện pháp đang làm hiện nay, đặc biệt là quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, là những bước đi cơ bản, vững chắc để giúp không chỉ lập lại – hay chúng tôi đang gọi là trả lại tên đúng nghĩa – cho thị trường tiền tệ và thị trường vốn, trong đó có thị trường chứng khoán” – người đứng đầu ngành ngân hàng nói.
Trước đây, đầu tư toàn xã hội lên tới 44% GDP, trong khi tích lũy chỉ 20%, tức là lúc nào cũng ở tình trạng nhu cầu đầu tư rất cao, nhưng khả năng về vốn rất thấp. Từ đó, hệ thống ngân hàng nâng lãi suất lên, đua nhau hút phần 20% nêu trên vì hút bao nhiêu cũng cho vay ra được. Và khi lãi suất lên cao như vậy, thị trường vốn không còn gì để hoạt động, thị trường tiền tệ đồng thời thực hiện chức năng thị trường vốn. Như thực tế các bạn đã thấy, khi NHNN thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, các ngân hàng thương mại vẫn hút vốn, thì thị trường chứng khoán rất “xanh xao”, khi nào chính sách được nới lỏng thì tỷ lệ cho vay chứng khoán cao lên, thị trường chứng khoán lại “hồng hào”.
Thị trường tiền tệ phải trở về đúng bản chất của nó, không phải là một kênh đầu tư vốn mà chỉ thu hút tiền tạm thời nhàn rỗi, lãi suất chỉ ở một mức độ nhất định. Nếu lãi suất không hấp dẫn, người dân sẽ tìm sang kênh đầu tư khác, ví dụ như ngoại tệ.
“Hiện chúng tôi đang điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nâng cao giá trị đồng Việt Nam, nên như thực tế năm 2011, nếu đầu tư vào ngoại tệ thì không có lợi bằng đầu tư vào nội tệ, tức là ngoại tệ không còn hấp dẫn.
Như vậy, người ta có thể đầu tư vào vàng, nhưng như tôi đã nói, chính sách về quản lý thị trường vàng trong thời gian tới sẽ làm cho thị trường này không còn hấp dẫn nữa” – ông Nguyễn Văn Bình cho biết thêm.
Về thị trường bất động sản, chính sách của chúng ta cũng khiến thị trường này không còn nóng, sốt, biến động lớn./.