Mua sắm trực tuyến có nhiều ưu điểm và đang được khuyến khích phát triển tại Việt Nam do những đặc điểm nổi trội, giúp tiết kiệm chi phí cũng như nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, đồng thời tiết kiệm thời gian và tăng trải nghiệm tốt trong mua sắm cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo dữ liệu khiếu nại trong năm 2016 cũng như quý I/2017 của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thông qua hình thức mua sắm trực tuyến diễn ra khá thường xuyên.
Tỷ lệ người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến tăng nhanh trong những năm qua. |
Đặc biệt, trong các giao dịch cá nhân thông qua mạng xã hội còn tồn tại rất nhiều rủi ro. Nhưng đáng tiếc là trong một số trường hợp phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không thể liên hệ được với cá nhân qua điện thoại hoặc địa chỉ được cung cấp. Tỷ lệ người tiêu dùng mua phải sản phẩm bị cấm, sản phẩm bị thu hồi khi mua sắm tại sàn thương mại điện tử luôn cao hơn so với các sản phẩm cùng loại được giới thiệu và bán trang web của các công ty.
Từ thực tế trên có thể thấy, bên cạnh vấn đề về chất lượng sản phẩm, thương mại điện tử ở Việt Nam còn tồn tại một vấn đề rất lớn đó là quyền được cung cấp thông tin của người tiêu dùng tin theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay.
Cách nào để hạn chế rủi ro?
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, để giải quyết những tồn tại hạn chế của mua sắm trực tuyến, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, sự chủ động của người tiêu dùng trong việc tìm hiểu, nâng cao nhận thức được nhìn nhận đóng vai trò rất quan trọng.
Cụ thể, với thực trạng mua hàng trực tuyến còn nhiều điểm hạn chế như hiện nay, người tiêu dùng cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về hình thức mua sắm này bằng việc chỉ nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…).
Trước khi thực hiện giao dịch, người mua hàng trực tuyến cần tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận…Sau đó, cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm/dịch vụ trước khi đặt mua.
Những thông tin người tiêu dùng có thể tìm kiếm trên internet như nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá về sản phẩm/dịch vụ nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm/dịch vụ kém chất lượng.
Đặc biệt, người tiêu dùng cần cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin từ những trang web lạ như họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, sở thích, tiền sử khám bệnh… Đây có thể là những trang web sử dụng thông tin người tiêu dùng trái với quy định pháp luật, gây phiền toái cho người tiêu dùng hoặc thậm chí đánh cắp các thông tin tài chính của người tiêu dùng.
Trong các giao dịch trực tuyến, người tiêu dùng cần cảnh giác với những trang web/tài khoản mạng xã hội lạ, có quảng cáo sản phẩm/dịch vụ với giá rất thấp hoặc khuyến mãi lớn nhưng lại yêu cầu người tiêu dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình.
30% dân số Việt Nam sẽ mua sắm trực tuyến
Bên cạnh đó, Cục Quản lý cạnh tranh cũng cảnh báo người dùng luôn luôn phải cảnh giác với hình thức thông báo trúng thưởng cũng như bên cung cấp yêu cầu người tiêu dùng phải đóng tiền thuế/phí để nhận được sản phẩm.../.