Năm 2018, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại, thương mại tăng trưởng chậm hơn dự báo, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp và nhiều khả năng tiếp tục kéo dài. Trong bối cảnh đó, kinh tế của Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Tăng trưởng kinh tế đạt trên 7% là mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây nhờ vào động lực chính là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành dịch vụ. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định năm 2019, kinh tế của đất nước tiếp tục tăng trưởng có thể đạt mức 7%.
Báo cáo của Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, năm vừa qua kinh tế toàn cầu có rất nhiều biến động, trong đó, chiến tranh thương mại đã làm cho khối lượng thương mại toàn cầu giảm mạnh năm 2018 chỉ còn 4,2% và năm 2019 dự kiến chỉ tăng 4%.
Cần cải cách thể chế và môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng đầu tư tư nhân. |
Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, thành tựu tăng trưởng của năm 2018 sẽ là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2019: "Năm 2018, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao trong vòng 10 năm qua, có thể đà tăng trưởng này còn kéo dài sang năm 2019. Đó là nhờ vào những yếu tố quan trọng đó là tăng trưởng tiêu dùng năm 2018 khá mạnh, tăng trưởng xuất khẩu vượt xa so với kế hoạch chúng ta đề ra. Tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp nội địa cao hơn là doanh nghiệp nước ngoài về xuất khẩu. Một kỷ lục nữa đó là xuất khẩu của nông lâm, hải sản đạt con số 40 tỷ USD - đây là tốc độ tăng trưởng khá là cao".
Cải cách về kinh tế, đặc biệt là cải cách về môi trường đầu tư đã thông thoáng hơn. Việc Chính phủ kiên quyết cắt giảm các giấy phép tạo nhiều động lực cho phát triển… Do đó các chuyên gia cho rằng, đây sẽ là động lực tạo đà tăng trưởng cho GDP ở mức dự báo khoảng 7% trong năm 2019.
Theo ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế Công ty chứng khoán MBS, bắt đầu từ năm 2012 đến nay, định hướng điều hành chính sách của Đảng, nhà nước hết sức đúng đắn. Cụ thể đó là việc không quá chú trọng vào tăng trưởng GDP ngắn hạn mà tập trung vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế… Cùng với đó là chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Trong năm 2019 này, kinh tế của đất nước tiếp tục tăng trưởng có thể đạt mức 7%. |
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần thực hiện cải cách thể chế và môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng đầu tư tư nhân. Cùng với đó là việc tái cơ cấu kinh tế phải thực hiện triệt để, chuyển đổi sâu và rõ nét hơn mô hình tăng trưởng nhằm tận dụng được những cơ hội đến từ yếu tố quốc tế. Đó là xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại; triển vọng tích cực từ các hiệp định thương mại thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA và một số các FTAs khác... Lạm phát có thể kiểm soát ở mức khoảng 4% nếu việc điều chỉnh giá dịch vụ công được kiểm soát chặt chẽ.
Ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ có giảm nhẹ trong năm qua nhưng vẫn là động lực chính của nền kinh tế. Bên cạnh đó, những cải cách về chính sách cũng cần có độ trễ để thẩm thấu và mang lại những hiệu quả thực chất hơn.
Theo ông Trương Văn Phước: "Năm 2019, chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 7% đến từ việc phân tích và dự báo về tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Kinh tế thế giới bên cạnh việc lo ngại chiến tranh thương mại vẫn đang còn diễn ra thì vẫn có mặt thuận lợi và khó khăn. Diễn biến thị trường trong nước cũng được dự báo sẽ có nhiều hỗ trợ cho tăng trưởng GDP trong năm 2019 đó là: chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân, đổi mới mô hình tăng trưởng, môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện… Đó là những lý do chủ yếu mà chúng tôi đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 đạt ở mức 7%, giữ lạm phát dưới 4%".
Mặc dù lạc quan vào tăng trưởng trong năm 2019 khoảng 7%, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong tổng thể những thách thức lớn của nền kinh tế thế giới đang đối mặt. Cụ thể cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động đến quy mô thương mại, từ đó gây khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam. Để khơi dậy được tiềm năng của nền kinh tế đòi hỏi sự điều hành linh hoạt của Chính phủ trong việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô để thích ứng với điều kiện toàn cầu như hiện nay./.
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tính đến 31/12/2018, dư nợ công dưới 61% GDP
GDP năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008