Số lượng các ca mắc Covid-19 liên tục gia tăng tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khiến thị trường các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch như bộ kit test nhanh Covid-19, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 đang nóng lên trong những ngày qua. Khi nhu cầu tăng cao đột biến, khả năng cung ứng chưa kịp thời ở một vài thời điểm nhất định nên đã xuất hiện tình trạng một số loại vật phẩm khan hàng, tăng giá.
Gia đình có người nhiễm Covid-19, chị Nguyễn Thái Hà (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) sáng 1/3 ra phố Ngọc Khánh mua kit xét nghiệm nhanh và thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 cho biết, sau khi xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR phát hiện người thân dương tính, chị phải đi mua thêm loạt dụng cụ test nhanh và một số loại thuốc để gia đình thực hiện cách ly và điều trị Covid-19 tại nhà.
“Tinh thần là một chuyện nhưng thật sự sẽ rất tốn kém nếu gia đình có người mắc Covid-19. Ngoài chi phí xét nghiệm PCR tại nhà lên đến gần 1 triệu đồng mỗi lượt, giờ phải mua thêm những bộ kit xét nghiệm nhanh để mọi người trong nhà kiểm tra thường xuyên và vài loại thuốc hỗ trợ điều trị. Đọc trên mạng thì sốt ruột lắm, nhưng các vật dụng y tế mình cần ở cửa hàng thuốc đều có sẵn, không khó mua giá chỉ nhỉnh hơn trước chút ít, sau khi mua 1 hộp kit xét nghiệm và vài loại thuốc mình thanh toán hết hơn 2 triệu đồng”, chị Hà cho biết.
Khảo sát tại một số cửa hàng thuốc trên phố Ngọc Khánh, Đội Cấn, Hoàng Hoa Thám…tỷ lệ người mua kit xét nghiệm nhanh và thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 có tăng so với trước đây. Sản phẩm được hỏi mua nhiều là các loại kit xét nghiệm nhanh nhập khẩu như Salocor của Phần Lan; Kit Test Covid Rapidfor của Thổ Nhĩ Kỳ; Humasis Covid-19 Ag Test của Hàn Quốc hay kit xét nghiệm Covid Toda của Pháp… giá bán các sản phẩm này dao động trong khoảng từ 85.000 – 110.000 đồng/bộ với số lượng từ 20 – 25 bộ/hộp và các cửa hàng không giới hạn số lượng bán ra.
Chị Hoàng Thùy Trang, dược sỹ tại cửa hàng thuốc trên phố Đội Cấn cho biết, mặt bằng giá chung đối với các loại kit xét nghiệm và một số loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid có tăng hơn trước nhưng không đáng kể. Thông tin khan hiếm hàng hóa vật phẩm trên mạng chỉ là thủ thuật nhằm đẩy giá của một số đầu mối trong dịp này.
“Tại cửa hàng của chúng tôi, từ 2 năm nay không khi nào thiếu hoặc được thông báo từ nhà cung cấp sẽ giảm nguồn cung kit xét nghiệm và một số loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid. Những ngày qua, có thời điểm nhu cầu của người dân tăng quá cao nên lượng hàng có về chậm trong thời gian rất ngắn, đó chỉ là hiện tượng cục bộ nên không ảnh hưởng đến giá bán và hoạt động kinh doanh”, chị Trang cho biết.
Cũng theo chia sẻ của quản lý cửa hàng này, giá bán các loại kit xét nghiệm và một số loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid không có nhiều biến động. Giá thuốc Molnupiravir Boston 400mg với giá 250.000 đồng/hộp/20 viên bán theo chỉ định; Các loại thuốc hạ sốt, thuốc chống dị ứng, kháng viêm chống đông máu hay thuốc điều trị đau dạ dày… nhập khẩu hay sản xuất trong nước đều được bán theo đúng giá niêm yết công khai.
Ngoài việc tăng độ phủ tiêm vaccine Covid cho toàn dân, đặc biệt là đối tượng trẻ em, trong thời gian này, công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh một số vật tư, trang thiết bị y tế, bộ xét nghiệm kháng nguyên Covid-19 nhằm làm rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm đúng chất lượng, bán đúng giá công khai cũng là yêu cầu của nhiều địa phương cùng các ngành chức năng đề ra và tiến hành ráo riết.
UBND thành phố Hà Nội mới đây đã yêu cầu giám đốc, thủ trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), các Sở Y tế, Tài chính, Công Thương; Công an; Cục Thuế và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo triển khai ngay công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về giấy phép, việc đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, nhãn mác đối với các mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế…
Trong những ngày qua, lực lượng QLTT Hà Nội đã phát hiện và kiểm tra hàng loạt cơ sơ kinh doanh thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19 trên địa bàn, trong đó phát hiện nhiều sai phạm trong kinh doanh với số lượng sản phẩm cực lớn. Hành vi sai phạm chủ yếu là việc các chủ cơ sở mua vật phẩm y tế trôi nổi trên mạng xã hội, không hóa đơn chứng từ, chưa được cấp phép lưu hành về kinh doanh nhằm kiếm lời.
Theo đại diện Tổng cục QLTT, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nhu cầu mua kit xét nghiệm Covid-19 của người dân tăng cao, để ngăn ngừa hiện tượng buôn bán mặt hàng kit xét nghiệm và các sản phẩm điều trị Covid-19 chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành, có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, Tổng cục QLTT đã ban hành công văn gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, kiểm soát.
Theo đó, Cục QLTT các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Đội QLTT chủ động thu thập thông tin, tăng cường công tác quản lý địa bàn để chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn bán mặt hàng kit xét nghiệm, thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; không được để xảy ra tình trạng quan liêu, bao che, dung túng, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, tham nhũng, hối lộ trong công tác quản lý thị trường.
Theo khuyến cáo của các bác sỹ, dược sỹ, việc người dân đổ dồn đi mua kit xét nghiệm Covid với số lượng lớn tích trữ trong gia đình là không cần thiết. Với việc tiêm vaccine Covid mũi 3 rộng rãi như hiện nay, mỗi người sẽ có biểu hiện và triệu chứng với virus khác nhau nên không nhất thiết mỗi khi thấy mệt lại xét nghiệm ngay Covid. Cần dùng các loại hóa phẩm nhằm tăng đề kháng như dung dịch xịt họng, xịt mũi để giảm khả năng F0 xuống thấp nhất.
Trong trường hợp có F0 cũng không nhất thiết ngày nào cũng phải xét nghiệm sẽ gây lãng phí, cần thời gian theo dõi điều trị từ 4 – 5 ngày, khi nào thấy cơ thể khỏe trở lại mới test để hòa nhập cộng đồng. Trong thời gian điều trị, nên tập trung tài chính cho việc dùng thuốc bổ cũng như nâng khẩu phần ăn giàu dinh dưỡng cho cơ thể nhanh hồi phục./.