Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giữ ổn định giá bán; thuế suất thuế nhập khẩu, mức trích Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu như hiện hành.
Cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng, dầu điêzen để giữ ổn định, không tăng giá bán xăng, dầu điêzen trong nước.
Theo đó, mặt hàng xăng được tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá thêm 100 đồng/lít (từ 200 đồng/lít lên 300 đồng/lít); Mặt hàng dầu điêzen: tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá thêm 200 đồng/lít (từ 300 đồng/lít lên 500 đồng/lít).
Bộ Tài chính cũng yêu cầu DN tiếp tục chưa tính đủ lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở đối với mặt hàng dầu điêzen, dầu hỏa (tạm tính 100 đồng/lít).
Sau khi thực hiện phương án điều hành giá xăng dầu như trên, nếu tính đúng, tính đủ giá cơ sở theo nguyên tắc hiện hành (tính đủ lợi nhuận định mức theo quy định) thì giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu vẫn cao hơn giá bán hiện hành: xăng 167 đồng/lít; dầu điêzen 126 đồng/lít... Như vậy, các doanh nghiệp sẽ phải chia sẻ khoảng 56% lợi nhuận định mức đối với mặt hàng xăng và 43% với mặt hàng dầu điêzen...
Giá xăng dầu thế giới kể từ sau ngày điều hành giảm giá xăng (ngày 26/11/2013) có biến động tiếp tục tăng so với những phiên liền kề trước đó. Bình quân 30 ngàygần đâytừ ngày 04/11/2013 đến 03/12/2013 giá xăng dầu thế giới cụ thể như sau: giá xăng RON 92: 112,15 USD/thùng; dầu điêzen 0,05S: 123,70 USD/thùng; dầu hỏa: 122,98 USD/thùng, dầu madut 180 cst: 604,96 USD/tấn.
Căn cứ nguyên tắc tính toán giá cơ sở theo các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, Thông tư số 234/2009/TT-BTC thì giá bán hiện hành các mặt hàng xăng dầu đều thấp hơn giá cơ sở (trừ mặt hàng dầu madut có giá bán hiện hành tương đương giá cơ sở), cụ thể, xăng RON 92 thấp hơn giá cơ sở là 467 đồng/lít./.