Chiều 20/6, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, liên quan đến việc 19 tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 bị hư hỏng hàng loạt của ngư dân Bình Định, dự kiến ngày 22/6, tổ giám định độc lập của tỉnh Bình Định sẽ họp và công bố kết quả.

Theo ông Trung, tổ giám định này đã làm việc từ ngày 2/6 đến nay, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định. “Kết quả này là cơ sở cho cơ quan quản lý xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan đến những con tàu trên, trong đó, có vấn đề vỏ thép đóng tàu vì gỉ sét, máy móc, trang thiết bị hư hỏng…”, ông Trung nói.

tau_vo_thep_67_vov_1__ckgo_ksgh.jpg
Tàu vỏ thép đóng mới giá trị hàng chục tỷ bị gỉ sét.

Về vấn đề điều kiện tham gia đóng, sửa tàu cá theo Nghị định 67, ngày 25/8/2014, Bộ NN&PTNT có thông tư 26, quy định rõ các yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị, đối với cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá…

Dựa vào những tiêu chí nói trên, Chủ tịch UBND tỉnh giao các cơ quan chuyên môn của địa phương kiểm tra, xem xét và công bố các cơ sở đóng tàu đáp ứng các điều kiện. “Bộ sẽ tổng hợp thành danh sách các cơ sở đủ điều kiện do các tỉnh đưa lên và công bố trên toàn quốc. Dựa vào các danh sách này, ngư dân có quyền chọn bất kỳ cơ sở đóng tàu nào để đóng con tàu của mình”, ông Trung nói.

Tính đến nay, Bộ NN&PTNT đã công bố 235 cơ sở đủ điều kiện tham gia đóng mới, sửa chữa tàu theo Nghị định 67, trong đó có hơn 70 cơ sở đóng tàu vỏ thép. Hiện có 666 tàu cá được đóng mới, đi vào hoạt động theo Nghị định 67, trong đó có 297 tàu cá vỏ thép.

Tuy nhiên, ông Trung cũng cho biết, hiện có 19 tàu vỏ thép bị gỉ sét, hỏng hóc khiến nhiều chủ tàu đứng ngồi không yên, chỉ tập trung ở 2 trong hơn 70 cơ sở đóng tàu vỏ thép là Cty TNHH MTV Nam Triệu (ở Hải Phòng, thuộc Bộ Công an) và Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định). Cùng đó, 17/19 tàu nói trên, vay vốn từ ngân hàng BIDV ở Bình Định.

Theo ông Trung, để đóng một con tàu vỏ thép theo Nghị định 67, có trang thiết bị hiện đại, có trách nhiệm liên quan của: Chủ tàu, cơ sở đóng tàu, ngân hàng và cơ quan đăng kiểm. Ngoài ra, còn có đơn vị cung cấp vật tư, vật liệu máy móc để đóng tàu.

Về máy tàu, đơn vị cung cấp máy sẽ cấp máy thực và các hồ sơ đi kèm, thông qua hợp đồng với cơ sở đóng tàu hoặc chủ tàu. “Ông đăng kiểm, sẽ kiểm tra xem CO (xuất xứ), CQ (chứng nhận chất lượng) và máy thật, chứ theo quy định, không thể mở máy ra để kiểm chi tiết được. Sau đó, kiểm tra hồ sơ do cơ sở bán máy cung cấp, xem có khớp với số chìm trên máy và các thông số khác trên máy hay không. Nếu hồ sơ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn, thì cơ quan đăng kiểm mới cho phép lắp máy”, ông Trung nói.

Liên quan đến việc có 8/9 máy tàu Mitsubishi, nhưng không phải do chính hãng cung cấp, ông Trung cho rằng: “Điều này cho thấy, có sự gian dối cung cấp máy, mà có thể cơ quan đăng kiểm chưa phát hiện ra”.

Tuy nhiên, theo ông Trung, để xảy sự cố đáng tiếc nói trên, với vai trò “gác” các vấn đề an toàn kỹ thuật tàu cá, có trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm. “Sau khi tổ giám định độc lập của Bình Định công bố kết quả, Bộ NN&PTNT sẽ xem xét đầy đủ về phần trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm, cũng như các đơn vị liên quan”, ông Trung cho biết.

Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung về Nghị định 67. Những vấn đề bất cập trong thời gian qua, sẽ được rà soát, sửa đổi cho phù hợp trong giai đoạn mới. Dự kiến, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị tổng kết Nghị định 67 vào cuối tháng 6 này./.