Theo đó, có 3 loại trái cây được chọn hỗ trợ là: Mít, sầu riêng và thanh long. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang lựa chọn 30 ha sầu riêng, 58 ha mít và 50 ha thanh long của 192 nhà vườn trong tỉnh để hỗ trợ toàn diện về chuyển giao kỹ thuật canh tác và quản lí dịch hại; hỗ trợ một phần kinh phí vật tư nông nghiệp và kết nối với 3 hợp tác xã bao tiêu toàn bộ sản phẩm gồm: Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), Hợp tác xã Mỹ Lợi A,(huyện Cái Bè), Hợp tác xã nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát (huyện Chợ Gạo).

Tiền Giang hiện có hơn 85.000 ha vườn cây ăn trái, cho sản lượng hơn 1,6 triệu tấn trái/năm. Do đó, chương trình này sẽ hình thành vùng sản xuất cho trái sầu riêng, mít và thanh long; ứng dụng công nghệ tiến tiến, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, tạo nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng để phục vụ xuất khẩu.

Đồng thời, thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm, giúp tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của người nông dân và nâng cao năng lực quản trị của các hợp tác xã với vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng, thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu.

Ông Nguyễn Trung Quý - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: "Chúng tôi đang triển khai chương trình này với các hộ nông dân, xây dựng vùng nguyên liêu sạch đạt tiêu chuẩn Global GAP. Chúng tôi tập huấn, hỗ trợ phân bón cho bà con. Thực hiện chương trình này trước hết sẽ giúp vùng nguyên liệu được nâng chuẩn lên, bà con nắm được thực hành sản xuất cho tốt.

Thứ hai khi vùng nguyên liệu được nhiều người biết đến, khách hàng tới nhiều bà con bán có giá hơn. Đơn vị nào muốn ký kết tiêu thụ sản phẩm thì sẵn sàng. Nói chung phải tái cơ cấu thì mình phải làm vậy chứ đâu có con đường nào khác”./.