Đến nay, nông dân tỉnh Tiền Giang đã trồng hơn 9.500 ha cây thanh long thương phẩm, tập trung nhiều ở huyện Chợ Gạo. Trong 5 năm qua, khi thực hiện đề án, diện tích cây thanh long tăng hơn 4.300ha, cho sản lượng gần 237.000 tấn. Thời gian qua, trái thanh long ở tỉnh Tiền Giang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 85%.

Gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đầu ra trái thanh long gặp khó khăn, có thời điểm giá sụt còn vài nghìn đồng/kg. Đến nay, tỉnh Tiền Giang có hơn 500 ha thanh long bị phá bỏ do cây già cỗi kém năng suất, hiệu quả kinh tế không cao để chuyển sang cây trồng khác.

Tại hội nghị các ngành chức năng và doanh nghiệp thu mua trái thanh long khuyến cáo nông dân phải hết sức bình tĩnh không nên vội vàng phá bỏ hay không chăm sóc cây. Bởi thị trường tiêu thụ trái thanh long đang có khởi sắc, giá tăng lên. Giá thanh long ruột đỏ tại vườn đang ở mức 14.000 - 16.000 đồng/kg; ruột trắng từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, tăng 3- 4 lần so với tháng trước.

Vấn đề cần quan tâm là nông dân cần tổ chức lại sản xuất cây thanh long, nên tham gia vào các Hợp tác xã, tổ hợp tác bởi sản xuất riêng lẻ, manh mún tiêu thụ rất khó; đồng thời cần nhân rộng mô hình VietGAp, Global GAP. Về phía ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục cùng với chính quyền, các hợp tác xã, hỗ trợ nông dân địa phương tập trung nâng cao về chất lượng sản phẩm và giải quyết đầu ra sản phẩm để nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất.

Tiền Giang phấn đấu đến năm 2025, trồng khoảng 3.600 ha cây thanh long đạt chuẩn GAP; diện tích thu hoạch là 7.900 ha, năng suất trung bình trên 30 tấn/ha; sản lượng thanh long đạt trên 235.000 tấn/năm.

Ông Nguyễn Trung Quý, Giám đốc Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát tại xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo chia sẻ: “Chúng tôi cố gắng xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch về trái cây thanh long. Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng lại về tổ chức, cơ cấu, con người, hệ thống lại, định vị mã vùng trồng. Từ đó xin Cục Trồng trọt cấp mã vùng để xuất khẩu đi được nhiều nước"./.