Thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phải đối mặt là các rào cản kỹ thuật như: An toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, quy tắc ứng xử, các quy định về bảo vệ môi trường, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu vào EU, các quy định về tỷ lệ nội địa hóa sẽ gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa được chuẩn bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ về xuất khẩu hàng hóa sang EU và DNNVV Việt Nam còn thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam nêu thực tế: "Có thể thấy rõ ràng rằng Việt Nam là một trong ít các quốc gia có tới 14 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cả song phương lẫn đa phương nhưng kết quả gặt hái từ các Hiệp định này còn tương đối hạn chế.
Nguyên nhân là các hàng rào phi thuế quan và các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu các bên còn tương đối phức tạp, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó trước mắt chúng tôi kiến nghị Chính phủ Việt Nam và chính phủ các nước EU cần trao đổi xem xét tiết giảm các hàng rào phi thuế quan đối với các mặt hàng chủ lực của hai bên.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và triển khai cơ chế một cửa quốc gia nhằm tạo môi trường thuận lợi thông thoáng cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu".
Dẫn kết quả nghiên cứu mới đây của Liên minh châu Âu tại Việt Nam, nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 - 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, 4,57 - 5,30% trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, và 7,07-7,72% trong 5 năm sau đó. Về xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030, so với không có hiệp định.
Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội, EVFTA cũng đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, nhấn mạnh: "Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam vẫn còn thiếu thông tin thị trường EU cũng như những thông tin về các quy định của EU đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. Thêm nữa, các doanh nghiệp Việt Nam chưa được chuẩn bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ về xuất khẩu hàng hóa sang EU; đồng thời doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh. Chính phủ Việt Nam cần tăng nguồn lực tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất cho vay ưu đãi để triển khai các dự án EVFTA...".
Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm 97%, đóng góp 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách, và thu hút hơn 5 triệu lao động. Trong mọi hoàn cảnh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn năng động, sáng tạo, nhạy bén, linh hoạt vượt qua khó khăn và thách thức, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội.
Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị cũng như các cụm liên kết ngành, tranh thủ các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh triển khai các giải pháp cụ thể.
Triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, với trọng tâm là xây dựng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị giai đoạn 2021- 2025, với các nội dung hỗ trợ về thị trường, hỗ trợ liên kết sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển thương hiệu, hỗ trợ về tiêu chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng, hỗ trợ về tài chính tín dụng, hỗ trợ sản xuất thử nghiệm…
Triển khai Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu rộng vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu./.