Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 23/3 đã biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng từ ngày 1/4 - 31/12/2022. Theo đó, xăng (trừ ethanol) giảm thuế 2.000 đồng/lít; Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm thuế 1.000 đồng/lít; Dầu hỏa mức thuế 300 đồng/lít (giảm 70% so với hiện hành) và không giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay.
Quyết định giảm thuế BVMT được đánh giá là kịp thời góp phần bình ổn thị trường xăng dầu, trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu khan hiếm, giá dầu thô có xu hướng tăng cao, góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19. Các chuyên gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng kỳ vọng giá xăng dầu trong nước sẽ nhanh chóng “hạ nhiệt”, giúp giảm nhẹ gánh nặng lên chi phí sản xuất, tiêu dùng của người dân.
Là lái xe tải chuyên vận chuyển hàng xuất khẩu tuyến Hà Nội – Hải Phòng, anh Nguyễn Trung Thành cho biết, từ đầu năm đến nay khổ sở vì giá dầu liên tục tăng cao. Mỗi tháng 3 lần điều chỉnh thì cả 3 lần đều tăng khiến chi phí vận tải liên tục tăng lên và đương nhiên là thu nhập giảm đi đáng kể.
“Giá cước vận chuyển thì không thể tăng được, cùng lắm là phía DN cho giảm tải trọng mỗi chuyến. Hôm vừa rồi giá dầu cũng đã giảm được một chút, mấy hôm nay lại nghe thông tin giảm thuế xăng dầu nên hy vọng thời gian tới chi phí chạy xe sẽ bớt căng thẳng, có thêm tiền trang trải cuộc sống”, anh Thành cho biết.
Theo đại diện một số DN vận tải, chi phí xăng dầu chiếm từ 40-45% thành giá vận tải. Do đó, việc tăng hay giảm giá xăng dầu sẽ tác động rất lớn đến hoạt động của DN, đặc biệt là áp lực về tài chính.
Ông Trần Chiến, đại diện DN vận tải Chiến Hà (Gia Lâm, Hà Nội) nhẩm tính, với mức thuế giảm 2.000 đồng cùng các chính sách điều hành giá của cơ quan chức năng, giá xăng thời gian tới có thể giảm khoảng hơn 2.000 đồng, tương đương khoảng 7%. “Giá xăng dầu giảm tạm thời sẽ giúp DN giảm bớt áp lực, bởi những tháng qua nhiều tuyến vận tải ngắn gần như không đủ chi phí nên DN hoạt động cầm chừng, nhiều hợp đồng mới DN không dám nhận mà chỉ cân đối nguồn hàng cho xe chạy những mối khách quen”, ông Chiến chia sẻ.
Không chỉ các DN vận tải chịu tác động trực tiếp từ giá xăng dầu tăng, thời gian qua giá cả hàng hóa sinh hoạt cũng tăng đột biến, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Điều này có phần tác động gián tiếp từ giá xăng dầu liên tục tăng và tăng cao.
“Đi chợ thời buổi này “như bị mất cắp” mà chất lượng bữa ăn giảm sút vì lương thực, thực phẩm, rau xanh, gia vị… cái gì cũng tăng vọt. Thắc mắc thì người ta cứ kêu là do giá xăng tăng, giá dầu tăng nhưng vì là đồ ăn uống thiết yếu nên không thể thiếu được. Nay nhà nước quyết định cho giảm thuế, giảm giá xăng dầu xuống thì cả xã hội được nhờ, những người nội trợ cũng mong hàng hóa theo đó mà giảm xuống cho cuộc sống dễ chịu hơn”, bà Nguyễn Thúy Nga ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội bày tỏ.
Thời gian qua, phán đoán khả năng gián đoạn nguồn cung cục bộ của tình hình năng lượng thế giới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các công ty xăng dầu đầu mối có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để đảm bảo nguồn cung, an ninh năng lượng trong mọi tình huống. Đồng thời, liên Bộ Công Thương – Tài chính cũng đã thực hiện chi sử dụng Quỹ BOG thường xuyên cho các mặt hàng xăng dầu ở mức từ 200-1.500 đồng/lít.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Quỹ BOG đang âm do đó không thể trông chờ vào quỹ này để kìm đà tăng giá xăng dầu, mà chỉ có thể trông chờ vào biện pháp từ giảm thuế, phí cấu thành giá. “Về lâu dài phải tính tới công cụ thuế linh hoạt hơn, tính tới bàn toán giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu và phải có chiến lược tiết kiệm, chuyển đổi dần trong cơ cấu sử dụng năng lượng thân thiện hơi với môi trường”, ông Đông đưa giải pháp.
Cũng theo ông Đông, trong cơ cấu giá xăng có đề xuất giảm thuế nhập khẩu bã ngô, nhiên liệu ethanol khi giá các loại nhiên liệu sinh học đang thấp so với nhiên liệu hóa thạch đồng thời khuyến khích sử dụng xăng sinh học. Ngoài ra, cần có các gói an sinh xã hội, hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng kinh doanh trực tiếp xăng dầu, hay người sử dụng xăng dầu. Cùng với đó, cần tính tới cơ chế để tăng dự trữ quốc gia, tách bạch dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ lưu thông phân phối hay trong quy hoạch sản xuất, để tăng dự trữ từ sản xuất đến lọc dầu, dự trữ về lọc dầu và thành phẩm.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), khi giá dầu thế giới tăng cao, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ các hoạt động xuất khẩu dầu thô, kèm theo đó là nguồn thu từ các loại thuế, phí đối với dầu thô, xăng dầu thành phẩm trong nước sẽ góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.
“Việc áp dụng giảm thuế BVMT sẽ giúp hạ nhiệt giá xăng nhưng về lâu dài cần có các giải pháp cải cách để điều hành xăng dầu đúng với cơ chế thị trường, tránh tình trạng điều hành "nửa vời" như hiện nay. Có thể tiến tới bỏ định giá theo chu kỳ, chuyển theo hướng DN tự định giá, cạnh tranh về giá theo tín hiệu khách quan của thị trường", ông Nguyễn Tiến Thỏa đề xuất./.