Từ Quảng Nam vào TP.HCM để lập nghiệp, chị Phạm Thị Mỹ Chi mở cửa hàng kinh doanh hải sản tại TP Thủ Đức. Sau 2 năm đóng cửa vì dịch bệnh, chị chuyển qua hình thức bán online. Tưởng chừng việc buôn bán sẽ thuận lợi khi thành phố kiểm soát được dịch bệnh và bước vào cuộc sống bình thường mới, song giá xăng liên tục tăng khiến chị Chi đã khó càng thêm khó.
Chị Chi cho hay, giá xăng đắt kỷ lục kéo theo phí giao hàng tăng cao. Đơn hàng nội thành TP.HCM trước chỉ mất 15.000 - 20.000 đồng nay tăng lên 30.000 - 40.000 đồng. Những nơi xa hơn phí từ 35.000 - 45.000 đồng hiện tăng lên 65.000 - 75.000 đồng. Tình trạng này khiến khách rất hạn chế đặt hàng.
"Bán hàng không lời nhiều nên tôi chỉ hỗ trợ một phần nhỏ phí ship cho khách. Vì vậy, nhiều đơn hàng khách thấy phí ship cao nên hủy đơn, từ đó doanh thu giảm đi rất nhiều. Giờ chỉ mong giá xăng dầu nhanh chóng giảm để tôi yên tâm kinh doanh, kiếm sống”, chị Chi nói.
Ngoài việc khách ít, chị Chi còn phải gánh thêm chi phí vận chuyển hàng hóa cao ngất. Thời gian trước, gia đình chị gửi hàng từ quê vào TP.HCM mỗi thùng chỉ 50.000 - 70.000 đồng, hiện lên tới 200.000 - 300.000 đồng, tăng gấp 4 lần. Khoản tăng này khiến chị Chi méo mặt vì hiện chị không dám tính vào giá bán, sợ mất nốt lượng khách ít ỏi cuối cùng.
Tương tự chị Chi, chị Đinh Thanh Thùy, chủ quán trà sữa và đồ ăn vặt tại TP Thủ Đức cho hay, chị phải chi thêm tiền cho phí vận chuyển và giảm giá các mặt hàng của quán từ 20 - 30% nhiều tháng nay. Lời lãi với chị Thùy vì thế ngày càng thu hẹp.
"Bình thường mỗi ly trà trên app có giá từ 32.000 - 38.000 đồng/ly, trừ các chi phí thuế, chiết khấu phần trăm cho app, mình thu về 22.000 đồng, bây giờ mình chỉ nhận được 16.000 đồng. Giá bán tại quán thì thấp hơn, từ 25.000 - 35.000 đồng/ly. May lượng khách tại quán đều, do đó có thể bù đắp được phần nào phí dịch vụ nên mình vẫn duy trì nhận các đơn đặt qua app”, chị Thùy nói.
Không khá khẩm hơn người bán, khách mua hàng online cũng là "nạn nhân" của việc giá cước tăng. Phần lớn thời gian ở trên trường nên thường xuyên đặt đồ online, bạn Võ Lê Trường An (21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) cho hay, hiện phí ship tăng chóng mặt, kể cả giao hàng thông thường lẫn giao hàng qua các app, các trang thương mại điện tử đều tăng theo. Trước đây An hay đặt cơm cho cả nhóm bạn 5 người, phí ship chỉ từ 15.000 - 20.000 nhưng bây giờ tăng lên 30.000 đồng.
"Ngày trước còn có các mã giảm giá nhưng bây giờ cũng chẳng mấy khi có, dù có mã giảm giá đi nữa thì phí vẫn cao hơn so với bình thường. Nên bây giờ mình phải tự nấu cơm ở nhà rồi mang theo để đỡ phần nào chi phí”, Trường An chia sẻ.
Giá cước tăng cũng khiến giới tài xế xe ôm công nghệ "méo mặt". Họ chia sẻ trên các hội nhóm rằng, do cước phí vận chuyển đã tăng theo giá xăng nên dù họ "cày" cả ngày đêm cũng không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Nhiều shipper cho biết mức thu nhập của họ hiện nay quá thấp. Chẳng hạn trước đây, mỗi ngày có ít nhất 20 đơn hàng, giá cước mỗi đơn trung bình khoảng 15.000 đồng, trừ đi tiền xăng còn khoảng 10.000 đồng. Tính ra mỗi ngày thu nhập ít nhất cũng được 200.000 đồng. Thế nhưng hiện nay, thu nhập chỉ còn khoảng phân nửa.
Anh Phạm Hoàng Đông Duy - tài xế xe ôm công nghệ (ngụ TP Thủ Đức) cho hay, trước đây anh đổ 50.000 đồng tiền xăng là có thể chạy cả ngày nhưng nay phải đổ gấp đôi, xem như tiền xăng "ăn" hết tiền công. "Giờ mình chẳng dám nhận những đơn lẻ, thay vào đó cố gắng định hình từng tuyến đường rồi gom đơn đi theo tuyến để tiết kiệm tiền xăng. Bây giờ chỉ mong sao giá xăng có thể giảm trở lại để tất cả mọi người đỡ chật vật trong cảnh bão giá hiện nay", anh Duy tâm sự./.