Chốt phiên cuối tuần, giá vàng đảo chiều tăng nhẹ, tiến sát về mốc 33 triệu đồng/lượng chiều mua vào, trong khi giá vàng thế giới cũng tiến sát mức 1.097 USD/ounce.

Hiện giá mua – bán vàng miếng SJC tại TP HCM được Công ty VBĐQ Sài Gòn công bố ở mức 32,63 – 32,90 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, tại Hà Nội, Tập đoàn DOJI điều chỉnh giá mua vàng lên ngưỡng 32,79 triệu đồng/lượng, và bán ra với giá 32,87 triệu đồng/lượng.

gia_vang_usd_opuk.jpg
Giá vàng trong nước giảm chậm, tỷ giá USD biến động nhẹ. (Ảnh minh họa: Internet)

Đà giảm giá vàng trong nước không theo kịp thế giới

Trên thị trường thế giới, đêm qua, mỗi ounce giảm gần 15 USD, xuống sát mốc 1.078 USD/ounce. Quy đổi ra tiền đồng Việt Nam, giá vàng quốc tế rẻ hơn giá vàng trong nước khoảng 3,6 triệu đồng mỗi lượng.

Chỉ số đồng USD và thị trường chứng khoán Mỹ mạnh lên sau khi một số thông tin liên quan đến báo cáo việc làm hàng tuần, giá cả xuất nhập khẩu... của nước này được công bố cho thấy có dấu hiệu sáng sủa là những nguyên nhân góp phần nhấn chìm thị trường vàng.

Ngoài ra, cuộc tấn công khủng bố hôm qua xảy ra ở Jakarta, Indonesia khiến ít nhất bảy người thiệt mạng phần nào làm cho thị trường lo lắng và có ảnh hưởng đến giá kim loại quý.

Theo đó, trong phiên Mỹ tối 14/1, có lúc giá giảm một mạch gần 25 USD từ mức cao 1.095 USD xuống sát 1.070 USD. Sau đó, khi về gần cuối phiên, giá phục hồi và chốt ngày mỗi ounce giao ngay giảm khoảng 15 USD, tương đương mất hơn 400.000 đồng, xuống sát 1.078 USD. Cùng lúc, giá vàng giao tháng 2 chốt ngày mất 9,3 USD so với phiên trước đó, xuống sát mốc 1.077,8 USD.

Đà giảm tạm thời chưa lan sang phiên giao dịch sáng nay tại thị trường châu Á. Tính đến 7h50, giờ Hà Nội, mỗi ounce vẫn đang xoay quanh mốc giá này.

Đáng chú ý, trong tuần qua, có hôm giá vàng SJC giảm còn 32,92 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới tăng vọt lên mức 1.092 USD/ounce.

Về mặt phân tích kỹ thuật, giá vàng nằm trong xu hướng giảm trong ngắn hạn. Mức hỗ trợ vững chắc là 1.056,5 USD, còn mức kháng cự lâu dài là 1.113,1 USD.

Tỷ giá USD biến động nhẹ

Từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng tỷ giá trung tâm USD/VND theo ngày, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt nâng giá hoặc giảm giá theo tỷ giá tham chiếu này, dao động từ 15-30 đồng so với các phiên giao dịch trước.

So với thời điểm trước khi áp dụng cơ chế mới (31/12/2015), giá USD tại các ngân hàng đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, chế độ tỷ giá cố định có thể dẫn tới “đô la hóa” nền kinh tế, suy giảm niềm tin người dân vào giá trị của đồng nội tệ.

Việc thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá của Việt Nam trong năm 2016, theo các chuyên gia, cần được đặt trong hai bối cảnh mới là Nhân dân tệ đã chính thức trở thành đồng tiền dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức đưa ra lộ trình tăng lãi suất trong giai đoạn 2016-2018.

Tỷ giá đóng cửa của ngày hôm trước có thể làm tham chiếu cho tỷ giá mở cửa của ngày hôm sau trên thị trường liên ngân hàng. Tức là tỷ giá có thể thay đổi theo ngày nhưng sẽ vẫn bị giới hạn biên độ giao dịch trong ngày.

Giới phân tích cho rằng, cơ chế điều hành tỷ giá mới cần có sự linh hoạt nhất định để tránh gây xáo trộn trong kỳ vọng của thị trường, và cần thiết bởi Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới./.