Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng SJC trong nước đứng ở mức 35,45 triệu đồng/lượng, là mức giá cao nhất sau khi đã giảm xuống 35,29 triệu đồng/lượng trong tuần trước đó.
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần này, giá vàng SJC tiếp tục tăng thêm 10.000 đồng lên mức 35,46 triệu đồng/lượng trước khi đảo chiều giảm liên tiếp trong các phiên giao dịch sau đó. Giá vàng SJC đã sụt giảm mạnh xuống mức 35,10 triệu đồng/lượng và dần hồi phục trở lại. Tuy nhiên tốc độ tăng không mạnh mẽ, dao động trong khoảng 35,10 – 35,15 triệu đồng/lượng.
Kết thúc phiên giao dịch tuần này, giá vàng SJC tiếp tục giảm mạnh và dừng ở 34,94 - 35,06 triệu đồng/lượng. So với cùng thời điểm kết thúc phiên giao dịch của tuần trước, giá vàng SJC đã giảm 400.000 đồng/lượng.
Biến động giảm theo giá vàng thế giới, tuy nhiên mức giảm của giá vàng trong nước gần như tương đồng với giá vàng thế giới khiến mức chênh lệch giá giữa vàng thế giới và vàng trong nước tuầ này không được mở rộng. Trong tuần giá vàng trong nước trung bình cao hơn giá vàng thế giới từ 4,60 - 4,80 triệu đồng/lượng.
Thị trường vàng thế giới tuần qua tập trung sự chú ý vào 3 sự kiện chính là báo cáo GDP của Mỹ, số liệu kinh tế của Nhật Bản và cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC.
Theo số liệu chính thức của Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng GDP quý III của nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt 3,9%, cao hơn ước tính ban đầu 3,5%. Trước đó, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 4,6% trong quý II - mức tăng lớn nhất kể từ cuối năm 2003. Như vậy tính đến quý III, Mỹ ghi nhận 6 tháng tăng trưởng mạnh nhất trong 10 năm qua.
Bộ Thương mại Mỹ đã nâng dự báo tăng trưởng GDP hàng năm lên 3,9% từ 3,5% trong báo cáo tháng trước. Trong khi các nhà kinh tế trong khảo sát của Reuters hạ dự báo tăng trưởng GDP xuống 3,3%. Kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định có thể thúc đẩy Fed nâng lãi suất sớm hơn dự kiến, ảnh hưởng xấu đến giá vàng khi giá vàng thế giới nhanh chóng sụt giảm 10 USD từ 1.202 USD/oz xuống 1.192 USD/oz.
Tâm điểm tiếp theo của thị trường tuần này là Nhật Bản với loạt số liệu kinh tế tháng 10, như lạm phát, chi tiêu hộ gia đình, số liệu việc làm, doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp, sau khi bất ngờ rơi vào suy thoái trong quý III.
Cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 27/11 diễn ra trong bối cảnh giá dầu liên tục trượt dốc trong thời gian gần đây. Các chuyên gia phân tích cho rằng, rất có thể OPEC sẽ không cắt giảm sản lượng dầu thô. Giá dầu toàn cầu đã giảm 1/3 từ 115 USD/thùng, mức đỉnh hồi tháng 6, xuống 79 USD/thùng, thấp nhất 4 năm qua trong phiên giao dịch 21/11.
Giá dầu đã rơi vào thị trường giá xuống trong năm nay khi sản lượng dầu của Mỹ đạt kỷ lục trong 3 thập niên qua và nhu cầu toàn cầu yếu ớt. Trong phiên giao dịch cuối tuần này, giá vàng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi giá dầu tại Mỹ giảm 7%, cùng với chỉ số USD tăng mạnh so với các đồng tiền khác. Chốt phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay giảm nhanh gần 20 USD về mức 1.167 USD/oz. So với cùng thời điểm chốt phiên cuối tuần trước, giá vàng thế giới giảm 35 USD/oz./.