Từ ngày 1/12, giá gas tăng khoảng 80.000 đồng/bình 12kg. Như vậy, giá gas bán lẻ khi đến tay người tiêu dùng tăng lên mức 485.000 – 491.000 đồng/bình. Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 2/2012 đến nay. Trước mức tăng đột biến đó, cùng với việc tăng giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, nhiều người dân đang dần thay đổi thói quen tiêu dùng để tiết kiệm chi phí sinh hoạt.

Chị Lưu Thị Huệ ở Hồ Đắc Di, quận Đống Đa, Hà Nội không giấu được sự bức xúc. Chị Huệ cho biết, từ trước đến nay chị vẫn dùng gas cho hầu hết các sinh hoạt trong gia đình. Mỗi bình gas dùng trong khoảng 2 tháng là hết. Tuy nhiên, với mức tăng giá mới, mỗi lần đổi gas chị phải bỏ ra gần 500.000, quả là con số không nhỏ.

12871514-khoi.jpg
Giá gas tăng, nhiều hộ gia đình chuyển sang dùng than gây ô nhiễm môi trường.

Là người nội trợ trong gia đình, để cân đối chi tiêu hợp lý, chị quyết định chuyển sang đun nấu bằng bếp điện để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay.

“Giá gas tăng lên như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến mọi nhà, mỗi tháng các gia đình sẽ phải cắt bớt một số chi tiêu. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mình có thể tiết giảm được cái gì tốt cái đấy nhưng giá gas lại tăng cao như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt. Gia đình đang có ý định cân nhắc dùng điện nhiều hơn, như trước kia đun nước bằng gas giờ sẽ dùng siêu điện hoặc chảo điện nấu nướng cho tiện mà bớt được chi phí cho gia đình phần nào tốt phần đó”, chị Huệ phân trần.

Cũng như chị Huệ, kể từ lần tăng giá gas gần nhất, bà Nguyễn Thị Hạnh ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã chuyển sang dùng xen kẽ bếp gas và bếp than phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày để tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, với lần tăng giá gas này cùng với giá cả một số mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng, bà Hạnh quyết định dừng hẳn việc đun nấu bằng gas. Bà Hạnh cho biết, không chỉ gia đình bà chuyển sang dùng than mà nhiều người dân xung quanh cũng bắt đầu thay đổi thói quen nấu nướng hoàn toàn bằng bếp gas như trước kia. Người thì chuyển hẳn sang bếp từ, bếp than, người sử dụng cả hai để tiết kiệm hơn.

“Tôi về hưu tiền lương cũng chỉ được hơn 2 triệu đồng/tháng, nay dùng gas mà 2 tháng hết một bình và giá gas vẫn còn tiếp tục tăng sẽ quá quá tốn kém, gia đình quyết định chuyển sang dùng than cho kinh tế hơn”, bà Hạnh chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, việc tăng giá 80.000 đồng/bình 12kg như hiện nay là quá cao, nhất là trong vòng chưa đầy 2 tháng đã tăng gần 100.000 sẽ tạo gánh nặng cho người dân. Người tiêu dùng trước hết nên tự điều chỉnh thói quen sinh hoạt để tiết kiệm chi phí lâu dài và bền vững.

“Tôi nghĩ là người tiêu dùng cũng đủ thông minh để xử lý tình huống. Có thể chia sẻ với người tiêu dùng là việc thắt lưng buộc bụng là đương nhiên rồi. Thứ hai là tùy hoàn cảnh mỗi người dùng sang nhiên liệu khác mà rất nhiều người cũng đang chuyển hướng sang dùng điện vì một tháng tiền điện cũng chỉ hết khoảng 500 nghìn trong khi dùng gas phục vụ cho nấu nướng cũng mất tầm đó. Cho nên hướng dùng năng lượng khác cũng là hướng tích cực để tiết kiệm và người tiêu dùng phải có lựa chọn của mình.”

Tiết kiệm chi tiêu trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay là cần thiết đối với mỗi gia đình. Bên cạnh đó. mỗi người dân cần lựa chọn cho mình hướng tiêu dùng hiệu quả, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh nhất là khi giá cả sinh hoạt đang tăng cao như hiện nay./.