Phiên giao dịch ngày 20/1, giá dầu trên thị trường New York rớt xuống dưới 27 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2003.
Từ đầu năm 2016 đến nay, giá dầu đã giảm đến 25%, mức hạ sâu nhất trong cùng một khoảng thời gian tính từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, các nước xuất khẩu dầu mỏ vẫn chưa chùn bước, tiếp tục bơm mạnh dầu ra thị trường.
Số liệu mới nhất từ Viện Dầu khí Mỹ (API), dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần qua tăng mạnh hơn dự báo của giới chuyên gia. Trong tuần kết thúc ngày 15/1/2016, dự trữ dầu thô tăng 4,6 triệu thùng, nâng tổng dự trữ dầu của Mỹ lên mức 485,2 triệu thùng.
Khu vực chứa dầu ngoài khơi Fos-Lavera gần Marseille (Pháp) - Ảnh: Reuters |
Bên cạnh đó, Chính phủ Venezuela vừa yêu cầu tổ chức một cuộc họp khẩn cấp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) để bàn cách “cứu” giá dầu. Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị nhiều nước thành viên OPEC từ chối.
Cuối tuần qua, sau khi lệnh cấm vận đối với Iran được dỡ bỏ, một công ty vận tải lớn ở Trung Đông đã chính thức ký kết hợp đồng với nước này để vận chuyển dầu đến các thị trường mục tiêu. Trong thời gian tới, nguồn cung dầu thế giới sẽ tiếp tục dưa thừa nhiều hơn nữa.
20/1 là ngày giao dịch cuối cùng của dầu thô ngọt nhẹ WTI giao kỳ hạn tháng 2. Giá dầu WTI giao tháng 2 hạ 1,91 USD/thùng, tương đương 6,7%, xuống 26,55 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 3 giảm gần 4% và đóng cửa phiên giao dịch ở mức 28,35 USD/thùng.
Trên thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 3 giảm 88 cent tương đương 2,7%, xuống 27,10 USD/thùng.
Giá dầu giảm mạnh khiến cổ phiếu các tập đoàn năng lượng cũng giảm rất sâu, nhóm cổ phiếu năng lượng trên thị trường chứng khoán Mỹ mất hơn 3% trong phiên hôm qua.
Mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo thế giới sẽ tiếp tục “ngập chìm” trong dầu thừa năm 2016 khi Iran được xuất dầu ra thị trường thế giới./.