Giá dầu chốt phiên 15/8 lên cao nhất 5 tuần, tăng hơn 10% trong 3 phiên vừa qua, do đồn đoán các nước sản xuất sẽ có hành động hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh thừa cung toàn cầu.

gia_dau_fhgf.jpg
 Nhà máy lọc dầu Cardon thuộc tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela ở Punto Fijo, Venezuela (Ảnh: Reuters)

Cụ thể, giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 9/2015 tăng 1,25 USD (tương đương 2,8%) lên mức 45,74 USD/thùng, cao nhất kể từ 15/7. Từ đầu tháng 8 đến nay, giá dầu WTI đã tăng 10%.

Giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn tăng 1,38 USD (tương đương 2,9%) lên 48,35 USD/thùng. Tính từ đầu tháng 8, giá dầu Brent tăng gần 14%.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tuyên bố các nước sản xuất dầu thô sẽ hành động nhằm bình ổn giá dầu.

Giá dầu bắt đầu tăng từ phiên thứ Năm tuần trước sau khi Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho biết OPEC và các nước sản xuất ngoại khối sẽ có phiên họp bên lề Diễn đàn Năng lượng Quốc tế, dự kiến diễn ra tại Algeria từ ngày 26-28/9 tới.

 Số liệu của hãng tư vấn Genscape cho thấy, lượng dầu lưu kho tại điểm giao nhận Cushing, bang Oklahoma, trong tuần kết thúc vào 12/8 giảm hơn 350.000 thùng, giúp giới đầu tư "vàng đen" thêm lạc quan.

 Tuy vậy, nhiều nhà phân tích vẫn hoài nghi rằng Saudi Arabia và các nước thành viên lớn khác của OPEC như Iran sẽ "dẹp bỏ" cuộc chiến thị phần để hỗ trợ giá dầu.

Theo số liệu của hãng theo dõi vận chuyển dầu thô Clipperdata, xuất khẩu dầu thô của nhóm 6 nước lớn OPEC (bao gồm Saudi Arabia, Iran, Kuwait, Qatar, Iraq và UAE) đạt 3,3 triệu thùng/ngày, tăng gần 22% so với 18,5 triệu thùng thời điểm đầu năm 2015.

Bên cạnh đó, 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng trưởng chậm, làm xói mòn niềm tin về nhu cầu dầu tăng./.