Sách trắng 2016 về các vấn đề thương mại, đầu tư tại Việt Nam vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố. Trong đó, về về vấn đề năng lượng và điện lực tại Việt Nam, EuroCham kiến nghị: Cần có khung chính sách rõ ràng để lĩnh vực điện gió tại Việt Nam phát triển.

dien_gio_njoi.jpg
EuroCham: Khi có được khung chính sách rõ ràng, lĩnh vực điện gió tại Việt Nam sẽ có thể thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn từ khối tư nhân (ảnh minh họa: KT)

Cụ thể, EuroCham cho rằng, trong một vài năm qua, nhu cầu năng lượng đã và đang tăng trưởng ở mức 15%/năm. Để đáp ứng tốc độ gia tăng nhu cầu sử dụng, Việt Nam vẫn ưu tiên phát điện từ những nguồn lực chi phí thấp như nhà máy nhiệt điện chạy than và thủy điện, những nguồn phát điện này đòi hỏi phải mất khoảng một thập kỷ mới có thể hoàn thành công tác quy hoạch, xây dựng và đưa vào hoạt động.

Thực tế này đang diễn ra trong bối cảnh Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo vào mục đích phát điện.

Ở thời điểm hiện tại, theo EuroCham, có một số quyết định mang tính then chốt mà Việt Nam cần phải đưa ra liên quan đến vấn đề môi trường và bảo vệ hành tinh. Trong bối cảnh Việt Nam chuyển trọng tâm sang những ngành thâm dụng vốn để tăng hàm lượng nội địa, Chính phủ có thể tập trung chính sách công nghiệp giúp hoàn thiện chuỗi cung ứng và tăng cường hàm lượng nội địa cùng  với các quy trình thân thiện với môi trường hoặc có những cơ sở tái chế phù hợp, vì Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, và trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm trực tiếp tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu nhiên liệu từ nước ngoài sẽ tạo áp lực lớn lên hoạt động logistics và cán cân thanh toán của đất nước.

Trong khi đó, theo EuroCham, quy mô của các nguồn năng lượng tái tạo có thể nhỏ hơn các nguồn năng lượng khác nhưng thời gian thi công lại ngắn hơn rất nhiều, và không đặt các quốc gia vào vị thế phải đưa ra cam kết dài hạn đối với việc sử dụng cùng một nguồn năng lượng trong thời gian dài như đối với trường hợp các nhà máy nhiệt điện chạy than được xây dựng bằng hình thức BOT.

Vì thế, EuroCham kiến nghị Chính phủ Việt Nam rằng, khi có được khung chính sách rõ ràng, lĩnh vực điện gió tại Việt Nam sẽ có thể thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn từ khối tư nhân bao gồm nguồn vốn của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thay vì phải sử dụng nguồn vốn công để đầu tư./.