Chứng khoán Trung Quốc lại tiếp tục giảm mạnh do nhà đầu tư mất niềm tin nghiêm trọng vào tình hình sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
Trong phiên giao dịch ngày 11/1, lần đầu tiên, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm xuống dưới 20.000 điểm kể từ năm 2013, trong khi sàn Thượng Hải và Thâm Quyến đồng loạt lao dốc.
Chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải có lúc “bốc hơi” 5,3% vào cuối phiên 11/1, trong khi chỉ số Shenzhen Compiste của sàn Thâm Quyến mất 6,6%. Với mức điểm số này, thị trường chứng khoán Trung Quốc đang sụt về mức thấp nhất kể từ tháng 9/2015.
Nhà đầu tư bất an vì sự chao đảo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. (Ảnh minh họa: SCMP - Bưu điện Hoa Nam buổi sáng) |
Thị trường chứng khoán thế giới thua lỗ lớn sau khi giao dịch chứng khoán tại Trung Quốc đã bị ngưng hai lần trong tuần trước, vì bị giảm quá mức 7%, theo cơ chế được Bắc Kinh chính thức kích hoạt vào ngày 4/1 nhằm ngăn chặn sự trồi sụt của thị trường chứng khoán trong nước, vốn đã tụt dốc mạnh từ giữa năm 2015.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chính cơ chế này đã khiến nhà đầu tư hoảng loạn. Vì thế, Trung Quốc đã dừng cơ chế tự động ngưng giao dịch này vào cuối tuần trước để trấn an giới đầu tư.
7 phút “nín thở” của chứng khoán Trung Quốc làm thế giới chao đảo
Ngay trong sáng 11/1, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã tăng nhẹ tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ, lên mức 6,5626 NDT/USD, từ mức 6,5636 NDT/USD vào ngày 8/1. Trên thị trường giao ngay, 1 USD tương đương 6,5818 NDT. Động thái này được cho là để ổn định tinh thần và kích thích các nhà đầu tư chứng khoán tại Trung Quốc sau một tuần giao dịch ảm đạm.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ đã không đủ sức đưa chứng khoán Trung Quốc thoát một ngày giảm điểm tồi tệ.
Nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên thị trường chứng khoán ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất châu Á - sẽ có tác động lớn hơn và rộng hơn so với dự báo tới triển vọng kinh tế khu vực./.