Thời gian qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Bắc Âu tiếp tục khởi sắc. Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) cho biết, Hiệp định CPTPP, EVFTA và sắp tới là RCEP đã và sẽ tạo lợi thế cạnh tranh mới cho Việt Nam về cả thương mại và đầu tư. Trong đó, thị trường Bắc Âu được dự báo sẽ tăng nhu cầu tiêu dụng hàng hóa, xuất nhập khẩu trung bình năm 2021 sẽ tăng khoảng 5%, riêng Iceland tăng khoảng 17% và đây là cơ hội lớn cho việc tiếp cận, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường của doanh nghiệp Việt Nam.
Với kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm nông sản Việt Nam ra nhiều thị trường trên thế giới, ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Facific Foods (doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam sang thị trường EU) cho biết, thị trường Bắc Âu rất tiềm năng đối với hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt là các loại trái cây nhiệt đới như vải, thanh long, mít, xoài, nhãn, bưởi… bởi thị trường EU luôn quan tâm và muốn trải nghiệm những sản phẩm đến từ Việt Nam như là một phần đặc sản của vùng hạ lưu sông Me Kong.
“Tuy nhiên, hàng nông sản của Việt Nam muốn các sản phẩm vươn đi các nước khu vực này đầu tiên phải tuân thủ chất lượng sản phẩm, không dùng phân bón hoá học, trồng theo tiêu chuẩn Global GAP, VietGAP và Organic. Điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm xuất khẩu phải là những sản phẩm tốt nhất, chất lượng cao không có dư lượng thuốc kháng sinh”, ông Linh nói.
Theo ông Chung Trí Phong - Tổng Giám đốc Pacific Foods, hành trình để nông sản Việt Nam sang được tay người tiêu dùng châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng không hề đơn giản. Đơn cử như sản phẩm vải thiều, ngay từ đầu vụ, sản phẩm phục vụ sản xuất sang EU phải được các đối tác nhập khẩu kiểm tra hệ thống quản lí sản xuất và chấp nhận về phần mềm giám sát...
“Doanh nghiệp phải liên kết với nhiều đối tác trong việc đầu tư máy móc để sơ chế, bảo quản trái vải, đảm bảo từ khi thu hoạch đến khi tới tay người tiêu dùng, nhờ vậy trái vải sẽ sớm được người tiêu dùng tại châu Âu ưa chuộng, đánh giá cao do chất lượng vượt trội, thơm ngon và an toàn”, ông Phong cho hay.
Hiện nay, trong bối cảnh các nước EU đang tích cực triển khai tiêm phòng vaccine Covid-19, tình hình dịch bệnh được kỳ vọng sẽ được kiểm soát, các biện pháp hạn chế dần được nới lỏng và kinh tế có bước hồi phục, giao thương trở lại bình thường sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho việc tăng cường xuất khẩu hàng hoá Việt Nam vào thị trường Bắc Âu.
Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển – ông Phan Đăng Đương cho biết, để phù hợp với xu thế và điều kiện thực tế, trong năm 2021, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển triển khai nghiên cứu và áp dụng các hình thức xúc tiến thương mại online để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, trong đó việc đưa vào vận hành một trang web tiếng Anh là một trong những giải pháp để tạo thuận lợi cho loạt hoạt động này.
“Trái cây, thủy sản, gạo, cà phê, dệt may và da giày là 6 ngành hàng được Thương vụ Việt Nam tại thị trường Thụy Điển, kiêm nhiệm khu vực Bắc Âu đẩy mạnh quảng bá thông qua trang Web tiếng Anh của Thương vụ. Trang web cũng được kỳ vọng sẽ trở thành kênh thúc đẩy giao thương hàng hóa, đưa hàng Việt hiện diện tốt hơn và lâu dài ở thị trường Bắc Âu”, ông Đương đánh giá.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mọi hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp, giao thương bị xáo trộn, đứt gãy, việc nhanh chóng thích nghi với điều kiện bình thường mới, sử dụng công nghệ thông tin để kết nối các DN trong nước với các thị trường xuất khẩu có ý nghĩa rất quan trọng. Việc thiết lập website giới thiệu về môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam; những cơ hội do EVFTA mang lại; cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Việt Nam bằng tiếng Anh… của Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã mở ra một cánh cửa rộng hơn để hàng Việt vào thị trường Bắc Âu.
Bà Nguyễn Hoàng Thúy - Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển và Bắc Âu cho biết, trong nền kinh tế thị trường, khi nhận thức được những lợi ích của EVFTA, các doanh nghiệp EU và Bắc Âu sẽ tìm đến Việt Nam nếu nhập khẩu hàng Việt Nam có lợi hơn nhập hàng các nước khác.
“Để chuẩn bị cho mục tiêu này, Thương vụ đang lên kế hoạch xây dựng catalogue điện tử, triển lãm ảo, bản tin tiếng Anh hàng tháng, cập nhật tình hình môi trường đầu tư, cơ chế chính sách ngày càng được cải thiện của Việt Nam... để làm sao thu hút được ngày càng nhiều doanh nghiệp Bắc Âu tiếp cận trang web tìm kiếm thông tin về Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam, từ đó tăng cơ hội giao thương”, bà Thúy cho biết.
Cũng theo bà Thúy, Bắc Âu là thị trường nhỏ, yêu cầu cao lại ở xa Việt Nam, nếu chỉ sử dụng các hình thức xúc tiến thương mại truyền thống cũ thì sẽ khá tốn kém và hiệu quả không cao. Do đó, giao thương online thông qua trang web được coi là giải pháp phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 dự kiến còn diễn biến phức tạp, đồng thời tạo đà cho những hoạt động hiệu quả hơn sẽ được triển khai trong giai đoạn hậu Covid-19./.