Gạo Việt gia tăng về giá trị trong thời gian qua là do cơ cấu giống được cải thiện, giống chất lượng cao, lúa thơm, đặc sản đang được canh tác với số lượng chiến hơn 85% diện tích.

Điểm sáng xuất khẩu gạo

Năm 2020, xuất khẩu gạo đạt trên 3 tỷ USD đang là điểm sáng trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Giá trị của hạt gạo Việt Nam đã được khẳng định qua các đơn hàng xuất khẩu với giá bán cao từ 680 - 1.000 USD/tấn. Có được thành quả này là quá trình dài trong xây dựng thương hiệu, thay đổi tư duy sản xuất và điều quan trọng là cơ cấu giống, chọn giống lúa thơm, chất lượng cao, đặc sản để vào đưa canh tác.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời cho biết, trong những năm qua đơn vị đã triển khai sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP). Ðây là bộ tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo bền vững có tiêu chí nhấn mạnh các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Hiện nay, toàn bộ vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo của đơn vị với gần 12.000 ha đều sản xuất theo tiêu chuẩn SRP. Mô hình này giúp nông dân giảm khoảng 15% chi phí đầu tư cho thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ sức khỏe nông dân và bảo vệ môi trường. 

Từ việc chú trọng vào nâng cao chất lượng hạt gạo, năm qua đơn vị này đã xuất khẩu lô gạo 126 tấn sang thị trường Châu Âu. Đây là lô hàng gạo thơm đầu tiên xuất sang Châu Âu theo Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam – EU.

“Nông dân cùng với các doanh nghiệp đã sản xuất đạt được những tiêu chuẩn khắt khe nhất của châu Âu. Đây là cơ sở, tiền đề để tái cấu trúc nền sản xuất lúa gạo, cũng như nâng cao chất lượng hàng hóa. Nâng cao hạt gạo Việt sẽ góp phần nâng cao đời sống của nông dân chúng ta” - ông Huỳnh Văn Thòn nói.

An Giang là một trong những tỉnh đứng đầu về sản xuất lúa gạo, diện tích sản xuất lúa hằng năm khoảng 600.000 ha, sản lượng bình quân xấp xỉ 4 triệu tấn lúa/năm. Xuất khẩu gạo của An Giang bình quân hàng năm hơn 220 triệu USD và con số này tiếp tục tăng trong những năm tới. Địa phương đã tập trung đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng; đồng thời đẩy mạnh đầu tư phát triển đưa cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là ứng dụng và phát triển cơ giới hóa vào sản xuất lúa cánh đồng mẫu lớn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về thâm canh lúa “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, từ đó góp phần tăng quy mô sản xuất.

Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, thời gian qua địa phương đã triển khai chương trình sản xuất lúa gạo bền vững với 4 tiêu chí. Trong đó, đem lại hiệu quả cho người nông dân, sản xuất lúa gạo nhưng vẫn đảm bảo được thổ nhưỡng, đảm bảo độ phì nhiêu của đất; giảm sử dụng phân bón, tiến tới sản xuất thân thiện với môi trường và sản xuất lúa gạo theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Tỉnh An Giang sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp khi triển khai các dự án sản xuất lúa gạo bền vững, xuất sang thị trường châu Âu theo nghị định 103 đã hướng dẫn. UBND tỉnh An Giang chỉ đạo cho các sở, ngành của tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, trên tinh thần 3 đúng: xác định vùng nguyên liệu đúng; quy trình sản xuất đúng; đảm bảo đúng giống để đảm bảo xuất sang thị trường Châu Âu, dần dần từng bước hình thành thương hiệu gạo của An Giang, cũng như ĐBSCL khi đi ra các thị trường xuất khẩu” - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

Nhiều lợi thế trong cạnh tranh, khẳng định thương hiệu gạo Việt

Từ nhiều năm qua, tỉnh Vĩnh Long đặc biệt quan tâm đến việc sản xuất giống chất lượng, địa phương đã xây dựng  46 cơ sở gồm hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, tổ nhân giống, hộ sản xuất tham gia, với diện tích gieo trồng là 100 ha sản xuất lúa nguyên chủng. Với số lượng cơ sở nhân giống này hàng năm địa phương đã cung ứng hơn 1.100 tấn giống lúa nguyên chủng.

Tính đến nay Vĩnh Long đã có hơn 180.000 ha thường xuyên sử dụng giống lúa cấp xác nhận đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chiếm 79,4% tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm. Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng của lúa gạo, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, đây là điều cốt lõi để khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam.

Ông Đoàn Văn Tài, thành viên hợp tác xã Tấn Đạt, huyện Vũng Liêm cho biết: “Toàn bộ diện tích sản xuất lúa của thành viên hợp tác xã cùng một quy trình, thuận lợi hơn nữa là đầu ra được nhiều công ty và doanh nghiệp đến bao tiêu cho hợp tác xã”.

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan trong thời gian vừa qua là Việt Nam đã chú trọng đến cơ cấu giống, các giống đặc sản, lúa thơm được đưa vào canh tác đã giúp khẳng định thương hiệu gạo Việt ở các thị trường xuất khẩu và các thị trường này đều chấp nhận với giá bán ở mức cao. Đây là tín hiệu vui đối với người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương khi đã gặt hái được thành công bước đầu.

“Theo cơ cấu giống thì chúng ta vẫn tiếp tục vào thị trường phân khúc cấp trung, cao cấp, đây là lợi thế mà Việt Nam đang có thế mạnh so với các nước xung quanh. Chúng ta có nguồn giống chất lượng cao và khá nhiều về chủng loại, sức cạnh tranh đang đáp ứng thị hiếu thị trường” - ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) nhận định.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, gạo Việt Nam đạt giá trị cao nhất trong 10 năm trở lại đây, đây là minh chứng việc thay đổi tư duy sản xuất, tập trung vào giống chất lượng cao, thơm, đặc sản để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu vào các thị trường khó tính và hiện nay, cơ cấu giống lúa thơm, đặc sản đang chiếm hơn 85% diện tích. Để khẳng định hơn nữa thương hiệu gạo Việt trên trường quốc tế, các địa phương, doanh nghiệp, người dân cần tập trung phát triển các sản phẩm hữu cơ không chỉ mang giá trị kinh tế mà thân thiện môi trường.

“Tín hiệu về ngành hàng lúa gạo tiếp tục sáng, tiếp tục tích cực, ĐBSCL đã gieo, cấp xong trên 1,5 triệu/ha và lúa sinh trưởng rất là tốt, cơ cấu giống lúa tiếp tục được cải thiện, đến nay 85% là chất lượng cao, đặc sản và lúa thơm. Vấn đề thị trường hiện nay nhu cầu nhập khẩu của các nước tiếp tục tăng, giá xuất khẩu hiện nay cao nhất trong vòng 10 năm vừa qua” - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết.

Gạo Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu thông qua các đơn hàng xuất khẩu giá trị cao và đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là các thị trường khắt khe như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Giá trị gạo Việt đã đem về 3 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2020. Để có được thành quả này là một quá trình dài vừa gian nan, vừa vất vả để thay đổi tư duy sản xuất, cơ cấu giống, liên kết chuỗi từ nông dân đến doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng các thị trường xuất khẩu./.