Chương trình Tự hào hàng Việt Nam năm 2018 đã bước qua năm thứ 4 liên tiếp, góp phần giáo dục ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc của mọi người dân Việt Nam trong việc sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam. Một trong những yếu tố tạo nên thành công này chính là doanh nghiệp, doanh nhân lấy người tiêu dùng Việt Nam làm trọng tâm và là mục tiêu để doanh nghiệp hướng tới.
Thời trang Việt Nam đang ngày càng chiếm được sự hài lòng của người tiêu dùng. |
Nhận thấy trong bối cảnh gần đây, làn sóng các doanh nghiệp ngoại kinh doanh “hàng hiệu bình dân” đổ vào thị trường thời trang Việt Nam rất nhiều với những cái tên đình đám, ông Nguyễn Hải Đường cho rằng, các thương hiệu thời trang Việt Nam sẽ càng phải nỗ lực nâng cao chất lượng để người Việt Nam luôn tin yêu chọn hàng Việt.
Tuy nhiên theo ông Đường, để làm tốt vai trò là nhà sản xuất uy tín, các doanh nghiệp ở Việt Nam thuộc bất kỳ ngành nghề nào như quần áo, thực phẩm, giày dép… đều rất cần đến các nhà cung cấp, bởi đó là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi sản xuất, kinh doanh.
“Nhưng điểm đáng buồn hiện nay đó là nhiều nhà cung cấp vẫn còn tư duy gia công, cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp nước ngoài thì rất tốt nhưng lại sản xuất cho doanh nghiệp Việt Nam những sản phẩm với chất lượng kém hơn. Tức là họ có quan điểm, hàng sản xuất cho Việt Nam chỉ cần chất lượng như thế là được rồi, không cần cao hơn. Điều này phải thay đổi. Nếu các nhà cung cấp vẫn còn tư duy này thì chắc chắn sẽ dần đánh mất niềm tin của người tiêu dùng trong nước”, ông Đường bày tỏ.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, cùng với Chương trình nhận diện và tự hào hàng Việt Nam, Tập đoàn đã tổ chức nhiều điểm bán hàng để đưa hàng hóa vào các khu công nghiệp phục vụ người lao động.
“Các sản phẩm dệt may hiện nay đã chủ động được 70% nguồn nguyên liệu trong nước như các sản phẩm như sợi, vải phụ liệu, chỉ may và hệ thống các sản phẩm bao bì đóng gói. Hàng dệt may Việt Nam hiện nay không những tạo được thương hiệu riêng tại Việt Nam mà còn là thương hiệu uy tín khi xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới”, ông Giang cho biết.
Với mong muốn nâng cao nhận thức xã hội về việc nhận diện và sử dụng hàng Việt, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse cho rằng, mặc dù đã có cuộc vận động, kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, nhưng như thế nào là hàng Việt Nam thì cần phải tuyên truyền rất rõ hơn nữa. Bởi mỗi sản phẩm đều hàm chứa giá trị gia tăng, và giá trị của sản phẩm đó để lại ở quốc gia nào mới là quan trọng.
“Thông qua Chương trình tự hào hàng Việt Nam sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp nắm bắt để củng cố và xây dựng thương hiệu của sản phẩm. Thời gian tới sẽ cần thêm nhiều chương trình tương tự, để làm sao cho các doanh nghiệp Việt Nam sở hữu được các khúc giá trị quan trọng nhất của sản phẩm, trong đó thương hiệu là một trong những khúc giá trị chiếm giữ lớn nhất trong chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm cho người tiêu dùng”, ông Phú lưu ý.
Theo bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch Quan hệ và Đối ngoại, Tập đoàn Central Group, Tập đoàn cam kết luôn đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam nhằm nâng cao cuộc sống của người Việt. Điều này không phải là tầm nhìn mà chính là hành động thiết thực mỗi ngày, khi Tập đoàn Central Group ủng hộ hàng Việt vào siêu thị phục vụ cho người tiêu dùng Việt Nam, bởi hàng Việt là hàng hóa người Việt Nam có nhu cầu nhiều nhất.
“Khi hàng Việt phát triển thì doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Central Group sẵn sàng thu mua nông sản địa phương, từ các hộ nông dân cũng như các hợp tác xã nông nghiệp, với mục tiêu truyền tải được các tín hiệu thị trường đến với người nông dân Việt Nam, để hàng nông sản Việt Nam được sản xuất theo đúng nhu cầu của thị trường”, bà Linh khẳng định./.
Hàng Việt Nam được tiêu thụ mạnh tại hệ thống siêu thị AEON (Nhật Bản)
ĐBQH Dương Trung Quốc: Xem lại kêu gọi “ưu tiên dùng hàng Việt Nam“