Mặc dù cây sưa đã được Nhà nước cấm khai trong mục đích thương mại, tuy nhiên, cây sưa 200 tuổi ở Bắc Ninh vừa được đấu giá công khai trên thị trường. Giá đấu giá thành công là gần 26 tỷ đồng.

Gỗ sưa đắt như vàng

Từ lâu, gỗ sưa đã được giới thương gia định giá rất cao do mùi hương của chúng. Năm 1994, cây sưa, đặc biệt là giống sưa đỏ được xếp hạng 1A, thuộc loại cực kỳ quý hiếm, được Nhà nước cấm khai thác trong thương mại.

sua_fzgb.jpg
Cây sưa 200 tuổi ở Bắc Ninh. 
Giá trị của gỗ sưa nằm ở “lõi gỗ”. Lõi gỗ sưa đỏ không cứng. Màu gỗ và vân gỗ rất đẹp. Gỗ sưa có vân 4 mặt, khi đưa ra ánh sáng thấy có màu óng ánh bảy màu thực sự rất quý hiếm. Loại gỗ này lại không mối mọt và thơm rất lâu, có thể 100 năm sau vẫn chưa hết mùi.

Ngoài ra, gỗ sưa có độ bền cực kỳ cao, ngâm trong bùn, trong nước nhiều năm vẫn không hề bị thấm nước. Vì vậy, từ lâu nó được dùng để làm đồ gia dụng, đặc biệt gắn liền với các vật dụng tâm linh như tượng phật, quan tài, tràng hạt, bàn thờ,…..

Theo một số chuyên gia phong thủy, các sản phẩm làm từ gỗ sưa có tác dụng trừ tà, cầu tài lộc và phòng trừ bệnh tật. Với lí do đó, giá trị của gỗ sưa càng ngày càng được các thương gia “thổi phồng”.

Ông Mạnh Phường, một chủ buôn gỗ tại Bắc Ninh cho biết, hiện tại gỗ sưa trong tự nhiên gần như không thể khai thác cho thương mại, tuy nhiên, nếu muốn có gỗ sưa bằng được thì vẫn có thể tìm được nguồn bán.

“Giá trị gỗ sưa hiện tại đắt gấp 100 lần so với cách đây 20 năm, thời điểm rộ lên phong trào sử dụng đồ làm bằng gỗ sưa. Nguồn hàng bây giờ khá hiếm, chỉ có thể tìm tới một số vùng núi trong nước hoặc một số tỉnh phía nam Trung Quốc hoặc Bắc Lào may ra vẫn còn hàng”, ông Phường nói.

Ngoài ra, ông Phường nhấn mạnh, tuổi đời gỗ sưa hiện tại không lớn, hầu hết chỉ còn cây con để bán.

“Với một kg gỗ sưa trên 20 năm tuổi, giá trị của có thể lên tới vài trăm triệu đồng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nguồn gỗ sưa cao tuổi đã cạn kiệt, các lái buôn bây giờ chỉ còn trông chờ vào nguồn gỗ sưa đang được trồng mới”, ông Phường cho biết.

Theo khảo sát, giá gỗ sưa hiện tại dao động từ 50 – 80 triệu đồng/kg, đối với cây sưa dưới 20 tuổi. Đối với những cây có tuổi cao hơn, giá trị của gỗ sưa có thể gấp đôi, thậm chí, là gấp 3 lần.

26 tỷ cho cây sưa 200 tuổi là quá rẻ

Mới đây, một cây sưa hơn 200 tuổi ở Bắc Ninh đã bị đốn hạ và chuyển giao cho chủ xưởng gỗ ở tỉnh Bắc Ninh. Vào ngày 1/8/2016, Công ty CP Đấu giá Việt Nam (Hà Nội), với sự tham dự của đại diện lãnh đạo xã Hà Mãn và huyện Thuận Thành đã tổ chức bán đấu giá cây sưa 200 năm tuổi.

Giá khởi điểm của cây sưa được đưa ra tại phiên đấu giá này là trên 23,96 tỷ đồng, không có thuế giá trị gia tăng.

Tại thời điểm hiện tại, cây sưa 200 năm tuổi nằm ở trước cổng đình làng Đông Cốc đã được chặt hạ và chuyển giao xong cho ông Nguyễn Văn Hùy (Đồng Kỵ, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) với mức giá là 24,5 tỷ đồng.

Theo Ông Nguyễn Văn Hiến, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, sau khi thống nhất với địa phương, chủ nhân của cây sưa 200 tuổi đã đồng ý hỗ thợ thêm cho địa phương 1,5 tỷ đồng. Tổng cộng, giá trị của cây sưa 200 tuổi này được nâng lên 26 tỷ đồng.

Giới buôn gỗ cho biết cây sưa 200 tuổi được bán rẻ ở mức giá 26 tỷ đồng. “Nếu tính theo giá thị trường, cây sưa 200 tuổi ở Bắc Ninh có thể cao gấp rưỡi giá hiện tại vì có thể làm được nhiều thứ với cây gỗ này. Tôi biết sẽ có nhiều tỷ phú sẵn sàng chi tiền để mua nó”, ông Phường nói.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hiến, một số phần rễ, cành cây sưa đã bị thối, hỏng nên lượng gỗ thu về cũng không được nhiều. Vì vậy, 26 tỷ đồng là cái giá có thể chấp nhận dược.

"Việc chặt hạ cây sưa nhận được sự đồng thuận của cấp trên, nhân dân. Số tiền thu về sẽ được dùng vào việc xây dựng, tu bổ, kiến thiết ở địa phương", ông Hiến nói./.