Vừa qua, Ban chỉ đạo 389 Quốc Gia đã tổ chức Hội nghị công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tỉnh biên giới phía Bắc. Tại hội nghị, các đại biểu Ban chỉ đạo 389 các tỉnh đều nhận định, phương thức, thủ đoạn cũng như quy mô vận chuyển hàng lậu từ biên giới vào nội địa ngày càng tinh vi, phức tạp.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia trong dịp trước Tết Nguyên đán Ất Mùi và quý I/2015, Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh biên giới phía Bắc đã chỉ đạo các đơn vị lực lượng chức năng liên ngành thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý hơn 6.500 vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 240 tỷ đồng; khởi tố 675 vụ án hình sự với gần 1.000 đối tượng.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, về cơ bản hàng hóa của cư dân biên giới và các doanh nghiệp đã đi vào khai báo Hải quan ở tại khu vực cửa khẩu và được cơ quan chức năng như Hải quan, Biên phòng kiểm soát, ngăn chặn các hàng lậu, hàng cấm, hàng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng cũng như sản xuất trong nước.

dinh_tien_dung_fmcv.jpgÔng Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài Chính, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh chủ trì hội nghị
Mặc dù, có sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh phía Bắc, nhưng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng phức tạp trở lại. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng liên tục thay đổi, tổ chức vận chuyển hàng lậu qua các vùng xa xôi, hẻo lánh trước đây không phải là địa bàn trọng điểm.

Các đối tượng buôn lậu thay đổi tuyến vận chuyển hàng lậu từ đường bộ sang đường hàng không và đường biển; lợi dụng các chính sách ưu đãi miễn thuế đối với hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới, các quy định về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu trên thị trường.

Ngoài ra, chúng lợi dụng các kẽ hở trong các quy định khai báo hải quan để gian lận về chủng loại, số lượng, đơn vị tính, giá tính thuế, nhãn mác, giấy phép nhập khẩu, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, kinh doanh tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, lợi dụng các quy định của ngành đường sắt về vận chuyển hàng hóa, hành khách,…

Theo ông Lê Quang Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo 389 Quảng Ninh, sự hợp tác giữa các cơ quan Trung ương với các cơ quan địa phương đặc biệt các ngành dọc vẫn chưa thực sự sát, kịp thời, chặt chẽ hơn. “Để chính quyền địa phương sẽ có những quyết tâm hỗ trợ, triệt để trong công tác phòng chống buôn lậu. Một số cơ chế chính sách còn chưa hoàn chỉnh. Ở Quảng Ninh, tháng 10 -12 hàng năm cư dân mang hàng xách tay rất lớn. Mong muốn trong năm 2015 tới đây sẽ có những chính sách hoàn chỉnh, triệt để hơn trong công tác phòng chống buôn lậu,” ông Tùng nói.

Ông Lê Quang Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo 389 Quảng Ninh chia sẻ ý kiến tại hội nghị

Trên tuyến đường bộ, đường biển của một số tỉnh như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Điện Biên do có địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, lối tắt nên đã hình thành nhiều khu vực, địa bàn trọng điểm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả. Các đối tượng hoạt động có tổ chức, manh động hơn, hình thành các tụ điểm, đường dây vận chuyển, tiêu thụ hàng lậu từ biên giới vào nội địa.

Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Bá Bình , Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, nhấn mạnh: “Lạng Sơn trong nhiều năm trước đây, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, Bí thư, Chủ tịch tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo trước hết trong nội bộ của ta. Tất cả lực lượng buôn lậu không dính dáng, không bảo kê, không tiếp tay, không có đường dây gì liên quan gì đến lực lượng buôn lậu cả.”

Ông Nguyễn Bá Bình , Phó trưởng Ban chỉ đạo 389, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ về quyết tâm ngăn chặn buôn lậu và các nhóm bảo kê hoạt động tại địa bàn
Vấn đề lực lượng chức năng chưa tạo thành hệ thống đồng bộ, cần được trao đổi thông tin kịp thời và chặt chẽ hơn; bất cấp, sơ hở trong cơ chế, chính sách đang bị những đối tượng lợi dụng, đặc biệt là vấn đề thẩm quyền, chế tài xử lý và những vấn đề đặt ra cho các lực lượng Cảnh sát kinh tế, Hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường… cũng nhận được sự quan tâm chia sẻ của nhiều địa phương có đường biên giới

Bà Nguyễn Bích Ngọc, Trưởng ban chỉ đạo 389 tỉnh Cao Bằng chia sẻ: “Một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp. Tôi có ý kiến đề xuất cơ quan Trung ương có cơ chế, chính sách hỗ trợ phương tiện cho các lực lượng chống buôn lậu đi sâu, đi sát hơn. Đặc biệt, cần phải có chính sách đặc thù với các tỉnh viên giới về chính sách về thương mại, nhất là các tỉnh còn khó khăn. Chính sách cụ thể, phù hợp đối với đồng bào cư dân biên giới để mưu sinh.”

Bà Nguyễn Bích Ngọc, Trưởng ban chỉ đạo 389 tỉnh Cao Bằng phát biểu tại Hôị nghị
Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu các tỉnh phía Bắc đã tập trung bám sát, thực hiện có hiệu quả các nội dung chủ đạo của Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, có thái độ kiên quyết, đánh mạnh vào các đầu nậu, phát động toàn dân tham gia tố giác, đấu tranh với các cá nhân, tổ chức buôn lậu, các hành vi tiếp tay cho buôn lậu…

Trong điều kiện Việt Nam gia nhập Cộng đồng ASEAN cuối năm 2015 này, việc đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ngày càng trở nên cấp bách và quan trọng là điều kiện công bằng, các đơn vị cùng kinh doanh và phát triển toàn diện./.