Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh có 447 cửa hàng xăng dầu. Tính đến chiều ngày 10/10, Bình Dương có 123 cửa hàng hết hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện nên đã ngừng kinh doanh; 17 cửa hàng chuyển đổi công năng; 5 cửa hàng đang xin nghỉ để sửa chữa; 23 cửa hàng đang nộp hồ sơ tại Sở đề nghị xem xét cấp giấy đủ điều kiện; 7 cửa hàng bị sở trả hồ sơ do không đạt các quy định, quy chuẩn. Như vậy, đến nay toàn tỉnh Bình Dương còn 272 cửa hàng hoạt động bình thường, đang cung cấp xăng dầu bán cho người dân và doanh nghiệp.

Về cung ứng xăng dầu, Bình Dương có 5 kho dự trữ với tổng dung tích chứa 66.200m3 và có 9 thương nhân là đầu mối và phân phối cung cấp cho gần 62% xăng dầu cho các đại lí bán lẻ trên địa bàn. Riêng Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ trong kho còn 18.000 khối xăng, 33.000 khối dầu.

Ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, các cửa hàng hết hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện muốn bán lại phải nộp hồ sơ xin cấp lại nhưng đến nay họ vẫn chưa nộp. Do đó, các cửa hàng còn lại phải gánh nhu cầu của thị trường nên xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ.

"Thế mạnh là tỉnh Bình Dương có 2 nhà cung cấp xăng dầu lớn hoạt động là Thành Lễ và Petrolimex vẫn đang hoạt động, chiếm 50% lượng hàng toàn tỉnh và hàng trong kho còn nhiều và liên tục nhập hàng. Số cửa hàng nghỉ không đủ điều kiện tăng áp lực lên những cây xăng còn lại", ông Nguyễn Thanh Toàn nói.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, đối với cửa hàng vẫn hoạt động nhưng để bảng “hết hàng”, “đang chờ nhập” thì có nhiều doanh nghiệp nhập hàng từ các đầu mối ở TP.HCM và các tỉnh. Các doanh nghiệp này thì Sở Công Thương không thể kiểm tra nguồn hàng./.

Nhiều cây xăng ngưng bán, chính quyền chưa phát hiện "găm hàng"

VOV.VN - Nhiều cơ sở bán xăng dầu ở các tỉnh Đông Nam bộ ngày 10/10 treo bảng hết hàng khiến có nơi người dân phải đi hàng chục km mới tìm mua được xăng. Người dân bức xúc cho rằng, doanh nghiệp đang “găm hàng” trước thông tin giá xăng tăng ngày 11/10.