Ngày 7/8, những con cá ngừ đầu tiên ở tỉnh Bình Định được đưa lên máy bay đến với thị trường Nhật Bản. Đây là mẻ cá ngừ được đánh bắt, sơ chế, bảo quản theo công nghệ của người Nhật. Mặc dù số lượng cá ngừ được xuất khẩu bằng máy bay chưa nhiều nhưng mở ra triển vọng mới cho nghề câu cá ngừ đại dương ở tỉnh Bình Định.
Từ 5 giờ sáng, 3 con tàu câu cá ngừ đại dương của tỉnh Bình Định cập cảng Quy Nhơn. Đây là những con tàu hoạt động thí điểm đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản được UBND tỉnh Bình Định đầu tư nhằm nâng cao giá trị kinh tế nghề câu cá ngừ truyền thống. Các chủ tàu đều phấn khởi vì đã tìm được hướng đi hiệu quả hơn trong hoạt động đánh bắt cá ngừ đại dương.
“Đánh bắt cá theo công nghệ mới rất thuận lợi. Khi kéo lên cá không vùng vẫy nên việc tháo gỡ cá nhẹ nhàng, không làm ngư dân tốn sức. So với cách đánh bắt truyền thống trước đây, số lượng cá tốt hơn gấp đôi, có khi gấp 3 mang lại nhiều ích lợi cho ngư dân”, ông Huy cho biết.
Trong đợt đánh bắt vừa qua chỉ có 4 tàu cá ra khơi, mang về 54 con cá ngừ đại dương, mỗi con nặng từ 40 kg - 50 kg. Sau khi tàu cập cảng, Lãnh đạo Công ty Kato Hitoshi, đơn vị hỗ trợ kỹ thuật, thu mua đã tiến hành chọn lựa, đưa cá ngừ sang Nhật Bản tiêu thụ. Qua lựa chọn, chỉ có 9 trong tổng số 54 con cá ngừ đại dương đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản.
Theo các chuyên gia của Nhật Bản, mặc dù số lượng cá đưa sang Nhật Bản không nhiều, nhưng kết quả bước đầu cũng đáng khích lệ. Ông Shoga, chuyên gia của Công ty ty Kato Hitoshi cho rằng, những ngư dân đã rất cố gắng tiếp thu công nghệ mới. Mặc dù còn sai một vài bước trong công đoạn xử lý, bảo quản, nhưng bước đầu như vậy đã là kết quả tốt.
Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, tỉnh sẽ quyết tâm nhân rộng mô hình này. “Với kết quả bước đầu tỉnh nhận thấy mô hình này có thể nhân rộng, đặc biệt là sau khi cá xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản và tiến hành đấu giá có kết quả”.
Để bà con yên tâm ra khơi, toàn bộ cá ngừ do ngư dân đánh bắt được Công ty Cổ phần thủy sản Bình Định thu mua, ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty Hitoshi Kato của Nhật Bản. Cá được đóng hộp vận chuyển đến sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định rồi vận chuyển bằng đường hàng không vào sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM, sau đó tiếp tục chuyển đến Osaka, Nhật Bản.
Trước mắt, Công ty cổ phần thủy sản Bình Định mua cá với giá cao hơn 20% so với giá thị trường, hỗ trợ ngư dân tiếp tục thực hiện mô hình./.