Tháng 8/2016, khi đang hành nghề đánh bắt trên biển, tàu cá BĐ 96763TS công suất hơn 400 sức ngựa của ngư dân Cao Ly ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định bị nạn, tàu chìm. Toàn bộ thuyền viên may mắn được cứu sống nhưng chiếc tàu trị giá cả tỷ đồng bỏ lại giữa biển khơi.
Bà Nguyễn Thị Phi vợ ngư dân Cao Ly phải đan lưới thuê kiếm sống qua ngày từ sau khi tàu bị chìm |
Từ tháng 12/2016, ông Cao Ly đã chuyển hồ sơ và nhiều lần trực tiếp đến yêu cầu Công ty Bảo hiểm Pjico Bình Định chi trả bảo hiểm tàu cá. Nhưng hết lần này đến lần khác, phía bảo hiểm vẫn im lặng.
Bà Nguyễn Thị Phi, vợ ông Cao Ly bức xúc: gia đình nghèo, không có điều kiện đóng tàu mới, đành mua lại con tàu cũ, vay thêm ngân hàng cải hoán, nâng công suất lên 400 sức ngựa để đánh bắt xa bờ. Gia đình mua bảo hiểm tàu cá tại Công ty Bảo hiểm P.Jico Bình Định hơn 30 triệu đồng mỗi năm. Khi tàu chìm, phía bảo hiểm từ chối chi trả bồi thường khiến gia đình hết sức khó khăn.
Bà Phi cho biết thêm, đi biển thì lúc được, lúc không. Chuyến lần này phải lỗ đến 40-50 triệu. Liên hệ với bảo hiểm thì bảo hiểm bảo chờ ra tòa vì dính vào hạn chế 3.
Từ một ông chủ tàu, giờ đây ông Cao Ly phải đi làm cho tàu cá khác để kiếm sống. Vợ ông cũng không còn đi bán cá ở chợ chuyển sang vá lưới thuê để kiếm sống qua ngày, đời sống gia đình khó khăn.
Đến nay, tại tỉnh Bình Định có 7 trường hợp ngư dân bị chìm tàu, người thân tử nạn đã mua bảo hiểm tại Công ty Pjico Bình Định nhưng bị cơ quan bảo hiểm từ chối đền bù hoặc cố trình chây ì. Có trường hợp ngư dân kiện ra tòa, tòa xử thắng kiện nhưng bảo hiểm vẫn phớt lờ.
Bảo hiểm PJico Bình Định |
Như trường hợp của ông Đỗ Văn Vương ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn mua bảo hiểm tàu cá BĐ 97044TS hơn 65 triệu đồng. Ngày 13/8/2015, tàu bị chìm, ông Vương đề nghị bảo hiểm bồi thường 4,6 tỉ đồng. Tòa sơ thẩm ra bản án buộc Pjico Bình Định bồi thường cho ông Vương số tiền 4,6 tỉ đồng. Pjico kháng cáo, tòa phúc thẩm tuyên giữ nguyên án sơ thẩm. Nhưng từ đó cho đến nay, Pjico vẫn không chi trả tiền bồi thường bảo hiểm.
Vì sao tàu chìm lại không được bảo hiểm? Lãnh đạo Công ty Bảo hiểm P.Jico Bình Định viện dẫn lý do rằng, các tàu cá bị nạn bị vướng “hạn chế 3”. Nghĩa là tàu chỉ được phép hoạt động trong vùng biển hạn chế cách xa bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 20 hải lý, trong khi đó tàu lại bị nạn nằm ngoài khu vực 20 hải lý nên phía bảo hiểm từ chối bồi thường.
Ông Nguyễn Hướng Nam, Giám đốc Bảo hiểm Pjico Chi nhánh Bình Định thoái thác rằng: đơn vị đã giải quyết hồ sơ và báo cáo, còn thẩm quyền giải quyết thuộc lãnh đạo Tổng Công ty ở Hà Nội.
Lấy lý do tàu cá bị “hạn chế 3”, Công ty Bảo hiểm P.Jico Bình Định từ chối chi trả bảo hiểm đối với tàu bị nạn. Thế nhưng, các trường hợp tàu bị nạn đều được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt nằm trong danh sách các tàu cá được hỗ trợ nhiên liệu khai thác hải sản trên vùng biển xa bờ theo Quyết định 48 của Chính phủ... Thực tế, giao dịch giữa ngư dân và đơn vị bảo hiểm là hợp đồng kinh tế, vì vậy, khi xảy ra sự cố, phần thiệt luôn thuộc về ngư dân.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, cần phải có chính sách, quy định để bảo đảm quyền lợi của ngư dân.
Chế tài đối với cơ quan quản lý nhà nước như tỉnh ông thực hiện đối với bảo hiểm rất khó khăn. Ngư dân khi kiện ra tòa để yêu cầu bảo hiểm bồi thường thì cũng hết sức khó. Ông nghĩ thời gian tới cần phải có chính sách, quy định để bảo đảm cho quyền lợi của ngư dân. Mua bảo hiểm thì rất dễ nhưng khi xảy ra việc gì lấy được đồng tiền bảo hiểm rất khó khăn. Nếu như bảo hiểm không chi trả thì phải đi tranh tụng về pháp lý điều mà ngư dân rất ngại. Sự can thiệp của chính quyền cũng ở mức độ thôi, đó là cái bất cập mà tới đây tôi đề nghị có chính sách hoàn thiện.
Nhiều tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định bị nạn trên biển đã nhiều năm nhưng phía công ty Bảo hiểm vẫn tìm cách làm khó, chây ì không chịu chi trả bồi thường khiến ngư dân hết sức khó khăn. Đã nhiều năm qua, ngư dân tỉnh Bình Định rất bức xúc trước tình trạng “bảo hiểm tàu cá, mua dễ nhưng khó đòi” khi có sự cố rủi ro xảy ra./.
Ngư dân Phú Yên: Chi trả bảo hiểm tàu cá rất nhiêu khê