Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 theo công bố của Tổng cục Thống kê chỉ tăng 0,005% so với tháng trước và bình quân 8 tháng chỉ tăng 2,58% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 8/2022 ước đạt 481,2 nghìn tỷ đồng, mặc dù chỉ tăng 0,6% so với tháng trước, nhưng tăng tới 50,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn vào những số liệu trên có thể thấy mức độ tiêu dùng, sử dụng dịch vụ hiện nay tuy có tăng so với cao điểm dịch Covid-19 nhưng nhìn chung nhu cầu tiêu dùng vẫn thấp. Giá cả hàng hóa hiện nay dường như đã xác lập mặt bằng cao mới, sau nhiều đợt tăng liên tiếp do các chi phí đầu vào từ nguyên vật liệu, nhân công đến xăng dầu.
Thu nhập không tăng thậm chí giảm trong khi giá hàng hóa “tăng nhanh giảm chậm” khiến chi tiêu sinh hoạt của nhiều gia đình bị động trong cảnh “bão giá”. Vợ chồng anh Nam, chị Hiền làm công nhân vận chuyển hoa quả tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) cho biết, mấy năm dịch bệnh hầu như không có việc, năm nay công việc có nhiều hơn nhưng tiền công không tăng là mấy, nên thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày.
“Từ tiền thuê nhà, ăn uống, đi lại, mua sắm giá cả đều tăng nên chi tiêu của gia đình phải rất tiết kiệm. Năm học mới đến lại lo tiền sách giáo khoa, tiền học phí cho các cháu nên nhìn chung để trang trải được là vô cùng khó khăn. Nếu giá cả các thứ trở lại như ngày chưa có dịch mọi người mới dễ thở”, anh Nam chia sẻ.
Từ đầu năm đến nay, nhiều loại hình dịch vụ ở Hà Nội từ bình dân đến cao cấp đều giảm lượng khách rõ rệt. Hàng loạt nhà hàng, quán ăn, dịch vụ giải trí, chăm sóc sức khỏe đóng cửa từ khi có dịch đến nay vẫn chưa hoạt động trở lại. Cũng đã có những nhà hàng, quán ăn cố gắng gượng khôi phục kinh doanh, nhưng chỉ qua vài tháng lại phải đóng cửa vì chi phí đắt đỏ, khách hàng giảm sút.
Anh Quang Tùng, từng là chủ quán bún cá đông khách ở phố Lương Định Của (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, từ sau Tết Nguyên đán khách đến quán giảm sút rõ rệt và lúc đó giá nguyên liệu, tiền công nhân viên đồng loạt tăng lên, khiến mỗi ngày anh bị lỗ hàng triệu đồng. “Cầm cự mãi đến đầu tháng 4 mình phải đóng cửa quán để chuyển làm việc khác. Kinh doanh bây giờ rất khó vì mặt bằng thu nhập của người dân rất thấp, chi phí mọi thứ lại cao khiến nhà nào cũng phải cân nhắc trong sinh hoạt”, anh Tùng chia sẻ.
Khi phóng viên đề cập câu chuyện giá cả hàng hóa với một vị chuyên gia thị trường vẫn hay đi chợ và siêu thị, vị này hoảng hốt nói, người dân mỗi lần đi chợ là xót ruột, có rất nhiều gia đình muốn đủ ăn lại không đủ mặc. Giá tăng đã khiến người nghèo càng nghèo thêm. Tiền ít mà giá hàng hóa cao thì sức mua giảm, từ đó sản xuất cũng sụt mạnh và DN càng khó khăn, kinh tế khó phát triển.
Không chỉ hàng hóa sinh hoạt tiêu dùng neo cao, hiện nay giá nguyên, nhiên vật liệu cũng tăng không kém khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN lâm vào cảnh bế tắc.
Có thể thấy từ đầu năm đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng đều được điều chỉnh tăng giá. Thời điểm hiện tại qua khảo sát giá xi măng đã tăng 70% so với quý IV/2020; Giá thép hiện đã giảm nhiệt nhưng vẫn tăng gần 400.000 đồng/tấn so với đầu năm và đang có dấu hiệu tăng trở lại; giá gạch, đá sỏi xây dựng, cát cũng tăng 30 - 35% so với cuối năm 2021. Chưa kể giá vật liệu, giá ngày công xây dựng cũng tăng khiến nhiều công trình phải chậm khởi công hoặc ngừng thi công nếu không muốn lỗ lớn.
Anh Trần Minh Hiển, chủ thầu xây dựng tư nhân ở quận Ba Đình cho biết, từ cuối năm 2021 có nhận 3 công trình xây dựng nhà dân sinh, nhưng đến nay mới chỉ khởi công được 1 và tiến độ rất chậm. “Thấy giá vật liệu và công thợ tăng, mình phải đàm phán lại với gia chủ để hoãn khởi công 2 căn. Cứ cố làm với giá vật liệu tăng từng ngày thì gia chủ tốn thêm bao chi phí, trong khi chủ thầu cũng không dám kí hợp đồng về giá và tiến độ”, anh Hiển nói.
Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam cho hay, các nhà cung cấp đã thông báo tăng giá nguyên vật liệu trong thời gian tới từ 15 - 20% tùy chủng loại sản phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp rất khó có thể tăng giá các sản phẩm ra thị trường ở mức tương ứng. Theo ông Kết, mặc dù doanh nghiệp đã chủ động trong điều tiết dòng tiền, dự trữ lượng hàng sản xuất tồn kho nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi quy mô doanh nghiệp nhỏ, nguồn tài chính hạn chế.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao, trong khi Việt Nam là nước phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất. Việc nhập khẩu nguyên nhiên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của DN và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên làm giảm lượng cầu.
Chính vì vậy, ngoài những chính sách của nhà nước kịp thời hỗ trợ DN khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, công tác điều hành giá, kiểm soát cung cầu hàng hóa, quản lý thị trường cũng cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hướng đến một thị trường minh bạch làm động lực phát triển kinh tế./.