Tại TPHCM, sau hơn 1 tuần các ngân hàng tất toán vàng huy động của dân thì thị trường vàng chưa có nhiều chuyển biến rõ nét. Giá vàng nhiều biến động, giá vẫn chênh lệnh khá cao so với giá vàng thế giới. Một lượng lớn vàng trong dân và trong ngân hàng vẫn nằm im, không chuyển thành vốn dòng vốn cho sản xuất như nhiều người kỳ vọng. Diễn biến của thị trường thời gian tới như thế nào? Ngân hàng nhà nước làm gì để kéo giá vàng trong nước gần giá vàng thế giới và biện pháp chống vàng hóa có hiệu quả hơn? Tất cả đều đang chờ những động thái sắp tới của ngân hàng nhà nước. 
vang_tuoitre3.jpg
Thị trường vàng vẫn sôi động sau 30/6 (Ảnh: Tuổi trẻ)

Đến nay, các ngân hàng ở TP HCM đã cơ bản hoàn thành việc trả vàng huy động của dân với hơn 760 ngàn lượng. Về dư nợ cho vay vàng, các ngân hàng đã thu hồi gần 390 ngàn lượng. Theo một số ngân hàng ở TP HCM, phần lớn lượng vàng đến thời hạn 30/6 người dân chuyển sang dịch vụ giử hộ vàng hoặc  nhận lại vàng vật chất chứ không chuyển sang tiền đồng để gửi tiết kiệm như nhiều người kỳ vọng ban đầu. Vì theo nhiều khách hàng, thời điểm này, giá vàng đã giảm mạnh nếu họ chuyển vàng sang tiền đồng sẽ bị lỗ, đồng thời lãi suất ngân hàng hiện nay chưa hấp dẫn. Riêng về dư nợ cho vay vàng, các ngân hàng đã thu hồi được hơn 95% vì một số hợp đồng cho vay vàng thời hạn dài nên chưa thu hồi được.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết: “Bây giờ, các ngân hàng đã trả huy động trong dân xong rồi. Còn dư dợ chưa vay thì chưa thu hồi hết vì không bắt buộc và phải thỏa thuận với khách hàng. Sau khi các ngân hàng tất toán trạng thái vàng, chênh lệnh giá vàng trong nước và thế giới sẽ rút ngắn”.

Từ đầu tháng 7 đến nay, tại TPHCM không có tình trạng người dân xếp hàng dưới mưa để mua vàng như tuần cuối tháng 6 vừa rồi khi giá vàng xuống thấp. Tuy nhiên, sau đợt vàng giảm giá mạnh vừa qua cũng không làm thay đổi được tâm lý tích lũy và đầu tư vàng của người dân. Hiện nay, khi vàng  trong nước và thế giới đang có nhiều biến động và đầy rủi ro nhưng  nhiều người vẫn mua vàng dù giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn chênh lệch khá cao,  từ 4 -6 triệu đồng/lượng.

Chị Nguyễn Thị Cúc nhà ở quận Phú Nhuận vừa rút tiền tiết kiệm ở ngân hàng,  mấy ngày nay, chị  chờ giá tốt để mua vàng tại Trung tâm vàng bạc đá quý Sài Gòn –SJC tại đường Nguyễn Công Trứ, Q1. Chị Cúc  cho biết: "Thời điểm này, mình thấy giá vàng rất mềm nên mua so vì trước giá vàng trên 40 triệu/lượng. Vì gửi ngân hàng bây giờ lãi rất thấp. Còn giá vàng Việt Nam còn lâu mới sát giá vàng thế giới”.

Hiện nay, khi các ngân hàng đã cơ bản tất toán vàng huy động của dân, nhưng qua những phiên đầu thầu vàng gần đây đều bán hết sạch, như phiên đầu thầu lần thứ 40 vào ngày 5-7 ngân hàng nhà nước đã bán hết 40 ngàn lượng vàng với giá trúng thầu thấp nhất là 37,9 triệu đồng/lượng, cao nhất là 38,08 triệu đồng/lượng, cho thấy nhu cầu vàng vẫn còn nhiều.

Như vậy, sau 40 phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước  đã cung cấp ra thị trường hơn 1,7 triệu lượng vàng, tương đương trên 41 tấn vàng. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường vàng ở Việt Nam giống như cái thùng không đáy, đấu thầu bao nhiêu hết bấy nhiêu. Vậy vàng đang chảy về đâu? Và một lượng vàng lớn trong dân cũng như ngân hàng đang giữ hộ sẽ là dòng vốn chết không kích thích cho sản xuất, kinh doanh  để phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội vàng TPHCM cho rằng: "Giá vàng xuống, người dân vẫn mua vào. Nhà nước quản lý thị trường vàng là rất cần thiết nhưng nhưng phải xem xét có yếu tố thị trường để nhiều người tham gia, thành lập sở giao dịch vàng hay như thế nào. Mình vẫn mong muốn vàng sẽ là nguốn vốn động, huy động vào phát triển kinh tế và biện pháp huy động như thế nào chúng ta phải tính”.

Để quản lý thị trường vàng tốt hơn và chống vàng hóa nhằm huy động một lượng tiền lớn trong dân vào sản xuất, rất cần một quyết sách sát với  nhu cầu thực tế của thị trường của Ngân hàng nhà nước. Và khi người dân thấy giữ vàng không có lợi,  họ sẽ chuyển dòng vốn này sang đầu tư, sản xuất, kinh doanh mà không cần bất cứ sự can thiệp nào khác bằng biện pháp hành chính./.