Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về rau hữu cơ, các cửa hàng chuyên cung cấp sản phẩm này mọc lên như nấm, với cam kết đảm bảo chất lượng, không dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, không dùng chất bảo quản hay chất kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên chất lượng của những loại rau được này hiện vẫn còn là dấu hỏi.
Chất lượng rau hữu cơ hiện nay vẫn còn là dấu hỏi lớn với người tiêu dùng (Ảnh: Thúy Hà) |
Khảo sát một số cửa hàng thực phẩm hữu cơ trên thị trường có thể thấy giá các loại rau hữu cơ ăn lá dao động ở mức 28.000-32.000 đồng/kg với đủ loại phong phú từ rau lang, rau muống, mồng tơi, rau sam... Các loại củ quả giá cao hơn, dao động trong khoảng 30-35.000 đồng/ kg. Cao hơn nữa là các loại như rau ngót có giá từ 50-60.000 đồng/kg, rau chùm ngây có giá dao động trong khoảng 100-110.000 đồng/kg.
Có mặt tại cửa hàng thực phẩm hữu cơ trên phố Duy Tân, Hà Nội, phóng viên được nhân viên bán hàng giới thiệu chi tiết tỉ mỉ giá cả và thông tin sản phẩm, quy trình trồng rau hữu cơ với lời hứa chắc nịch là sản phẩm tuyệt đối chất lượng với tiêu chí không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc kích thích. Để tăng niềm tin cho người sử dụng, chuỗi cửa hàng còn sẵn sàng có các chuyến tham quan vườn trồng rau dành cho khách có nhu cầu “mục sở thị” quy trình trồng rau.
Theo như lời nhân viên này, trên mỗi sản phẩm rau hữu cơ của cửa hàng đều có ghi rõ ràng địa chỉ sản xuất, tên người trồng, nếu khi sử dụng sản phẩm có vấn đề về chất lượng, khách hàng mang nhãn mác đến cửa hàng sẽ truy xuất lại nguồn gốc của cơ sở sản xuất để có cách xử lý thích hợp.
Tuy nhiên từ kinh nghiệm bản thân và thực tế tại nhiều gia đình khác cho thấy, các gia đình sau khi sử dụng rau, vỏ túi thường không giữ lại, nhất là khi có vấn đề về ngộ độc cấp tính thì thời gian cũng phải vài tiếng đồng hồ, khi ấy người dân thường lo đi cấp cứu, ít ai có thời gian xem lại nhãn mác sản phẩm. Sau khi điều trị sức khỏe tạm ổn, họ mới quay lại để truy tìm nguồn gốc rau có thể đã không còn chứng cứ hoặc khi mang nhãn mác tới nhân viên lại cho rằng chưa rõ nguyên nhân ngộ độc hoặc là ngộ độc do nguyên nhân khác, không phải do rau thì khi đó người tiêu dùng cũng đành “tặc lưỡi cho qua”.
Bên cạnh các cửa hàng bán rau hữu cơ có trang trại, mô hình sản xuất với địa chỉ rõ ràng như chuỗi cửa hàng rau hữu cơ bác Tôm, rau hữu cơ Tâm Đạt, rau An Việt..., hiện trên mạng nhan nhản những trang web được lập ra để bán rau sạch, với nhiều lời mời chào cuốn hút là rau do gia đình tự trồng, cam kết “suông” như không sử dụng phân bón hóa học nhưng vẫn bán với giá cao gấp 3-5 lần so với rau ngoài chợ.
Chị Phạm Thị Ngoãn, một khách quen của cửa hàng rau hữu cơ trên phố Duy Tân, Hà Nội cho biết, mỗi ngày, gia đình tôi mua hết khoảng 70.000 nghìn đồng tiền rau, củ. So với rau bán ngoài chợ thì đắt gấp đôi nhưng bù lại, chúng tôi được sử dụng rau chất lượng. Song khi hỏi chị căn cứ vào đâu để biết gia đình chị đang sử dụng rau chất lượng, an toàn thì chị Ngoãn cho rằng: Mối rau này do một chị đang làm ở cơ quan giới thiệu, mọi người tin chị ấy nên cũng tin và sử dụng sản phẩm rau nói trên. Còn việc có đúng là rau hữu cơ không thì chỉ có người sản xuất mới biết, bởi khách hàng không thể giám sát hoạt động trồng rau của họ 24/24h. Lúc khách đến họ làm đúng quy trình song khi khách đi, họ lại sử dụng phân bón hóa học hay chất bảo vệ thực vật thì chỉ có trời mới biết được.
Nói về thị trường rau hữu cơ hiện nay, ông Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, rau được trồng tại vườn nhà với quy trình chăm bón tự nhiên không sử dụng bất kỳ thuốc bảo vệ thực vật nào thì về định nghĩa là chuẩn rau hữu cơ. Thế nhưng để trồng được như vậy không phải dễ nên chỉ có thể trồng trên diện tích nhỏ không thể đủ năng suất để phục vụ thương mại.
Bên cạnh đó, do loại rau này rất khó trồng, cho năng suất không cao như rau thường lại đòi hỏi người trồng phải tuân thủ tuyệt đối kỹ thuật. Đối với loại thực phẩm này, hiện vẫn chưa có quy trình tiêu chuẩn nào cụ thể của cơ quan quản lý Nhà nước nên mỗi nơi áp dụng một kiểu kỹ thuật. Nhiều cửa hàng chỉ biết chứng minh nguồn gốc với khách hàng bằng thông tin rau được tự trồng ở quê, không sử dụng bất cứ loại thuốc và phân bón hóa học nào.
Vì vậy, người tiêu dùng muốn xác nhận chất lượng chỉ có cách đến tận nơi để xem quy trình sản xuất có đúng là không dùng bất cứ loại thuốc nào không. Bên cạnh đó, theo ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc hệ thống thực phẩm sạch An Việt, người tiêu dùng có thể mang mẫu rau đi kiểm nghiệm tại các cơ sở của Nhà nước để xác định đúng chất lượng rau có chuẩn hữu cơ hay không?
Qua kết quả kiểm nghiệm có thể tin tưởng vào các cơ sở uy tín và loại bỏ các cơ sở không uy tín để sử dụng lâu dài. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông, cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng về các loại sản phẩm hữu cơ như địa chỉ nơi sản xuất, quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, địa chỉ bán sản phẩm…. Đặc biệt nhấn mạnh đến lợi ích ngắn hạn và dài hạn của việc sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ. Đồng thời các DN cũng nên quan tâm xây dựng nhãn mác cho các sản phẩm hữu cơ để tạo niềm tin cho người tiêu dùng./.Rau hữu cơ đang hút người mua