Đánh giá về tiềm năng của nền công nghiệp Việt Nam tại hội thảo Chiến lược hợp tác Việt Nam – Nhật Bản về phát triển công nghiệp, Giáo sư Kenichi Ohno thuộc Viện nghiên cứu chính sách Nhật Bản cho rằng, những năm qua, tăng trưởng về công nghiệp của Việt Nam chỉ đảm bảo về lượng, mặc dù có đầu tư nguồn vốn lớn và tận dụng được lực lượng lao động chi phí thấp nhưng sản lượng công nghiệp không tăng về chất hoặc mang lại nhiều hiệu quả sử dụng vốn.
Chính vì vậy, Việt Nam cần một sự bứt phá chuyển đổi mô hình từ việc mở rộng về số lượng sang mô hình cải tiến năng suất. Cụ thể ở việc cải thiện nội dung và tổ chức chính sách, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống tài chính.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. (Ảnh: DDDN) |
Đặc biệt, khi nói về ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, Giáo sự Kenichi Ohno chỉ rõ, nhu cầu ô tô của Việt Nam là quá nhỏ và chính sách không ổn định. Ngành công nghiệp này mặc dù được bảo hồ trong thời gian dài những tỷ lệ nội địa hóa vẫn còn thấp và giá thành vẫn cao.
Để phát triển ngành này, theo Giáo sự Kenichi Ohno, khoảng cách về nhận thức cần được thu hẹp lại, doanh nghiệp và chính phủ cần phối hợp với nhau để đi đến thỏa thuận về chiến lược dài hạn.
“Thời hạn AFTA thuế quan ở khu vực bằng 0 vào năm 2018 đang đến gần và nhu cầu hiện tại trong nước vẫn còn nhỏ. Tuy nhiên Việt Nam chắc chắn sẽ có thị trường ô tô lớn từ sau năm 2020” - Giáo sư Kenichi Ohno khẳng định.
Cứ điểm sản xuất của các tập đoàn lớn?
Việc phát triển mạnh về lượng, dàn trải với đầy đủ các ngành công nghiệp của Việt Nam trong những năm qua đã không mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Quá trình đồng bộ hóa các ngành công nghiệp trở nên khó khăn, nhiều khi tạo rào cản khiến nền công nghiệp Việt Nam chưa tạo được dấu ấn phát triển mạnh mẽ trong khu vực cũng như thế giới.
Đánh giá về điều này, ông Yasuaki Tanizaki - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam phải xây dựng cơ cấu nền công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn. Nhật Bản và Việt Nam nhận thức được rằng phát triển công nghiệp hỗ trợ là việc làm hết sức quan trọng. Muốn làm được điều này, trước tiên Việt Nam cần có các ngành công nghiệp trọng điểm, tạo đà cho sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Ông Yasuaki Tanizaki cũng lưu ý, Việt Nam cần có thứ tự ưu tiên cho các ngành công nghiệp. Việc làm này cần hết sức thận trọng và được suy tính chọn lọc kỹ lưỡng. Việc ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm không có nghĩa là phá bỏ các ngành công nghiệp khác. Thực chất của quá trình này là đầu tư có trọng điểm cho các ngành công nghiệp chủ chốt, tạo nên những bước phát triển vững chắc, sau đó tiếp tục chú trọng các ngành còn lại.
“Có thể nhận thấy, tiến trình phát triển công nghiệp hóa của Việt Nam đang vướng phải 3 chướng ngại cơ bản, đó là về phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển nguồn nhân lực có chất lượng và cốt yếu là hoàn thiện thể chế phát triển cho công nghiệp trong một giai đoạn nhất định” - ông Yasuaki Tanizaki nhấn mạnh.
Phân tích về cơ sở của việc hợp tác Việt Nam và Nhật Bản trong phát triển sản xuất công nghiệp Việt Nam, PGS. TS Phạm Hồng Chương - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho biết, hiện nay, Nhật Bản đang muốn biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất công nghiệp lớn của các tập đoàn Nhật Bản. Trong khi Việt Nam đang hội tụ được nhiều điều kiện để đáp ứng được các yêu cầu của Nhật Bản trong việc thực hiện mục tiêu nói trên.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của sự hợp tác này theo PGS. TS Phạm Hồng Chương là ở chỗ, nguồn nhân lực của Việt Nam và Nhật Bản có sự khác biệt trong nhận thức, cơ sở hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ cũng như về môi trường chính sách.
Tập trung vào cơ sở hạ tầng, nhân lực và thể chế
Nhấn mạnh vai trò cũng như khả năng tận dụng lợi thế của Nhật Bản trong việc hợp tác chiến lược phát triển sản xuất công nghiệp Việt Nam, PGS. TS Phạm Hồng Chương cho rằng, trước hết chính phủ Việt Nam cần xác định Nhật Bản là đối tác chiến lược trong phát triển công nghiệp, thể hiện bằng việc cam kết chính trị, cam kết phát triển công nghiệp ở cấp độ cao nhất và cụ thể hóa bằng những hành động cụ thể như marketing trực tiếp với các doanh nghiệp Nhật Bản.
Ngoài ra, theo PGS. TS Phạm Hồng Chương, Việt Nam cần tập trung nội lực hóa công nghệ và kỹ năng, tập trung phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bằng việc nâng cao chất lượng cơ sở đào tạo cũng như chương trình đào tạo; gắn kết đào tạo và doanh nghiệp đồng thời sử dụng các chuyên gia Nhật Bản đã nghỉ hưu.
“Việt Nam cần tận dụng sự giúp đỡ của Nhật Bản để phát triển công nghiệp phụ trợ cũng như nâng cao năng lực quản lý sản xuất, chủ động tích cực giảm dần khoảng cách về nhận thức giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản cũng như vận dụng kinh nghiệm quản lý kinh doanh của Nhật Bản” - PGS.TS Phạm Hồng Chương chia sẻ.
Giáo sư Kenichi Ohno cho rằng, Việt Nam đang thiếu một quy hoạch tổng thể công nghiệp xác định và kết hợp các ngành và dự án ưu tiên. Các dự án được phê duyệt khi ngân sách được đảm bảo mà không có những mục tiêu rõ ràng hoặc có sự liên kết với các dự án khác.
Đề xuất về các trọng tâm chính sách phát triển công nghiệp cho Việt Nam, Giáo sư Kenichi Ohno đề cập việc chuyển giao công nghệ thông qua các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư nguồn nhân lực công nghiệp cũngnhư năng lực của doanh nghiệp. Ngoài ra, cần phát triển dịch vụ hậu cần cao cấp song song với việc hình thành các ngành công nghiệp mới./.