Phát triển ngành công nghiệp cơ khí được coi như phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Quyết định 186 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, ngay cả các sản phẩm cơ khí trọng điểm trong nước, có nhiều cơ chế hỗ trợ cũng không đạt mục tiêu đề ra.

Mục tiêu tối đa, kết quả tối thiểu

Trong 10 năm thực hiện chiến lược phát triển ngành, chỉ có thể điểm ra một vài thành quả được coi là đáng kể: Công nghiệp đóng tàu, đã chế tạo được tàu công nghệ khó, tải trọng lớn như tàu hàng tải trọng từ 6.500 - 53.000 tấn đạt tiêu chuẩn quốc tế, hay tàu chở ô tô 4.900 xe, kho nổi chứa dầu thô 150.000 tấn…

dsc01524.jpg
Sản phẩm cơ khí thủy công cho thủy điện, thủy lợi sản xuất trong nước được đánh giá cao. (Ảnh: KT)

Về thiết bị toàn bộ, một số doanh nghiệp cơ khí đã trở thành nhà tổng thầu EPC của các dự án nhiệt điện có công suất từ 300 - 750MW; Đã chủ động hoàn toàn đối với lĩnh vực cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện kể cả đối với các thủy điện lớn nhất nước như Sơn La có công suất 2.400MW.

Dễ nhận thấy nhất ở ngành công nghiệp chế tạo ô tô, trong nước đã sản xuất, lắp ráp được các loại xe buýt đến 80 chỗ, các loại ô tô tải và xe chuyên dùng; ngành cơ khí dầu khí đã chế tạo và hạ thủy thành công dàn khoan tự nâng có độ sâu 90m nước.

Ở lĩnh vực cơ khí điện đã chế tạo được máy biến áp 500KV… cũng có thể tự hào rằng, công nghiệp cơ khí đã có những sản phẩm “Made in Việt Nam” (thương hiệu Việt Nam) không thua kém nhiều nước phát triển.

Tuy nhiên, nhìn lại mục tiêu của Chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí đến năm 2010 đáp ứng tối thiểu 45-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí cả nước đã không hoàn thành (mới chỉ đáp ứng khoảng 34%, trong đó, một số lĩnh vực như thiết bị toàn bộ mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu); Giá trị xuất khẩu mới chiếm khoảng 23,4%, thấp hơn mục tiêu chiến lược đề ra là 30%.

Và trong tất thảy các sản phẩm ngành cơ khí trong nước đã làm được, tỷ lệ nội địa hóa cũng không cao, trung bình mới đạt được khoảng 30%. Ngay cả các dự án cơ khí trọng điểm được hưởng các chính sách hỗ trợ, Thủ tướng chấp thuận cho triển khai từ năm 2009 thì đến nay cũng mới chỉ có 3/9 dự án được cấp vốn từ nguồn vốn đầu tư phát triển của nhà nước. 6 dự án còn lại đều vướng mắc không triển khai được.

Vướng mắc về công nghệ và nguồn vốn

Theo ông Nguyễn Mạnh Quân - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), nguyên nhân cơ bản bên cạnh việc xuất phát điểm của ngành công nghiệp cơ khí còn thấp, quy mô công nghệ lạc hậu là nguồn nhân lực chuyên gia đầu ngành ít, sự đầu tư còn hạn chế… khiến các doanh nghiệp cơ khí gặp khó khăn.

“Ở đây phải nói đến cụ thể về nguồn vốn. Vốn từ ngân hàng đầu tư phát triển chủ yếu được cơ cấu từ nguồn ngân sách, trong khi ngân sách còn khó khăn cho nên cũng không thể dành cho các dự án cơ khí trọng điểm đã được phê duyệt vay hết được” - ông Nguyễn Mạnh Quân cho hay.

Chỉ tính riêng đối với lĩnh vực công nghiệp ô tô, theo ông Phạm Văn Liêm - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), bên cạnh việc đến nay vẫn chưa định vị được dòng xe chiến lược, ngành công nghiệp ô tô còn rất nhiều khó khăn ảnh hưởng các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này. 

“Cái khó khăn cơ bản và lớn nhất đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là thị trường còn quá nhỏ bé, cộng thêm ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, năng lực cạnh tranh sản phẩm trong nước còn thấp. Đặc biệt là tỷ lệ chuyển giao công nghệ của các công ty nước ngoài, còn rất hạn chế và ở mức thấp” - ông Phạm Văn Liêm chia sẻ.

Một lĩnh vực được coi là phần cứng, nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp cơ khí - nhóm ngành thép - cũng chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng. Theo ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, do định hướng chính sách phát triển thời gian qua thiếu bài bản đã dẫn đến thừa thép xây dựng, trong khi các lĩnh vực thép phục vụ cho chế tạo, đóng tàu, ô tô, xe máy... lại yếu và thiếu trầm trọng.

“Bản thân các ngành cơ khí trọng điểm không được dồn sức phát triển trong giai đoạn vừa qua, thậm chí đường đi cũng chưa rõ ràng. Ngay cả những biện pháp hạn chế sản xuất ô tô, xe máy cũng cho thấy rằng, đường ra cho ngành thép nếu như có phát triển để phục vụ sản xuất, chế tạo cũng gặp rất nhiều trở ngại, thách thức” - ông Phạm Chí Cường khẳng định.

Theo nhiều chuyên gia, việc đưa ra 8 nhóm ngành hàng và hàng loạt các sản phẩm cơ khí trọng điểm trong điều kiện nguồn vốn eo hẹp là quá dàn trải. Vì vậy, sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành, mới có vài quy hoạch ngành được xây dựng và phê duyệt. Còn rất nhiều nhóm ngành (ngành đúc, thiết bị xây dựng, công nghiệp ô tô…) vẫn chỉ là đề án.

Những biện pháp mạnh tay

Nhận định sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí, ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chỉ rõ một thực tế, ngành cơ khí chưa thực hiện được theo đúng yêu cầu đáp ứng 50-60% nhu cầu trong nước và xuất khẩu 30%.

“Đối với một số ít lĩnh vực đã đạt được mục tiêu nội địa hóa, đáp ứng 100% nhu cầu trong nước (sản phẩm cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện) là do có được chính sách hỗ trợ theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, bắt buộc sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, áp dụng cơ chế chỉ định thầu… Vì vậy, muốn để ngành công nghiệp cơ khí trong nước phát triển, đòi hỏi phải có những biện pháp mạnh” - ông Nguyễn Văn Thụ chỉ rõ.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Quân - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), ngành cơ khí cần tập trung vào những nhóm ngành chủ lực, chủ động đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm nhập khẩu và có cơ hội xuất khẩu cao như: Chế tạo thiết bị toàn bộ cho các nhà máy nhiệt điện, thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện, chế tạo ô tô, đóng tàu biển, máy nông nghiệp, thiết bị điện & cơ điện tử.

“Để thực hiện chính sách cơ khí mà Chính phủ đã phê duyệt và đồng thời để tạo điều kiện cho ngành cơ khí phát triển cần quan tâm 3 yếu tố: Cơ chế chính sách của nhà nước; Tư duy cũng như nỗ lực đầu tư đổi mới công nghệ sự cảm thông chia sẻ ủng hộ của người tiêu dùng các sản phẩm cơ khí trong nước” - ông Nguyễn Mạnh Quân chỉ rõ.

Bên cạnh đó, việc gỡ vốn cho ngành cơ khí trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay cũng là điều đặc biệt đang quan tâm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có đường ra cho doanh nghiệp cơ khí.

Giải pháp cho vấn đề này, ông Nguyễn Chỉ Sáng - Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí (Bộ Công thương) chỉ ra rằng, nếu doanh nghiệp cơ khí biết phát huy nội lực, liên kết lại tạo thành các liên danh để chủ động đàm phán, khi được tham gia làm tổng thầu chắc chắn sẽ cho kết quả cả về tỷ lệ nội địa hóa và giảm nhập siêu.

“Thị trường cơ khí trong nước từ nay đến năm 2025 cỡ khoảng 100 tỷ USD. Nếu chúng ta chế tạo được các sản phẩm cơ khí sẽ chiếm khoảng 30 - 40 tỷ USD. Nếu làm được, chỉ cần 3-5 dự án, ngành cơ khí có thể đạt ngay mục đích 40-50% tỷ lệ nội địa hóa” - ông Nguyễn Chỉ Sáng phân tích.

Cũng theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, cần phải sửa ngay Luật đấu thầu trong đó phải tính tới yếu tố xuất xứ hàng hóa trong đấu giá sản phẩm cơ khí. Nếu sản phẩm cơ khí là hàng nhập khẩu thì khi đấu thầu cũng phải có giá thầu khác.

Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến nghị, nếu tỷ lệ cơ khí nội địa hóa không được quy định cụ thể trong mỗi dự án được đấu thầu, các doanh nghiệp trong nước sẽ rất ít có cơ hội tham gia vào dự án. Đồng thời, cần tính tới việc chỉ định thầu cho các nhà chế tạo thiết bị cơ khí trong nước đối với các dự án có nguồn vốn ngân sách.

“Chính phủ phải đặt ra vấn đề thực thi nghiêm, có chế tài, có quản lý chặt những chủ đầu tư thực hiện các dự án thuộc nguồn vốn nhà nước, cũng như khuyến khích các chủ đầu tư sử dụng các sản phẩm trong nước một cách nghiêm minh” - ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam khẳng định.

Hiện nay, đã có rất nhiều cơ chế hỗ trợ ngành công nghiệp cơ khí được ban hành từ cấp Trung ương tới địa phương, cấp ngành. Việc bổ sung danh mục máy móc, thiết bị vật tư nguyên liệu trong nước đã sản xuất được cũng được Bộ Công thương thường xuyên cập nhật.

Tuy nhiên, để các sản phẩm cơ khí trong nước được sử dụng tại các công trình, dự án, bên cạnh những chế tài, pháp lý đủ mạnh, điều kiện tiên quyết hơn là ở cái tâm của chính chủ đầu tư, doanh nghiệp - những người tiêu dùng “ưu tiên dùng hàng Việt”.

Có cầu ắt có cung, ngành công nghiệp cơ khí cũng không nằm ngoài quy luật đó!./.