Liên kết đã trở thành nhu cầu

Nhìn lại thành công bước đầu của mô hình ‘cánh đồng liên kết’ tại tỉnh nhà, ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, khẳng định rằng, “hiện tại, liên kết đã trở thành nhu cầu của cả bà con nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Vấn đề chỉ còn là giữa các bên có “gặp” được nhau hay không”.

Là ‘tư lệnh’ trực tiếp của ngành nông nghiệp tại tỉnh, ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, cũng khẳng định: Mô hình này phù hợp với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, khắc phục được hạn chế của kinh tế hộ, thuận lợi cho việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm giá thành, cơ giới hóa, thủy lợi hóa... Mô hình còn gắn kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ nông sản và xuất khẩu. Đây là mấu chốt để tạo vùng nguyên liệu ổn định và đầu ra ổn định cho cả nông dân và doanh nghiệp.

lienketsanxuatlua.jpg
Mô hình “Cánh đồng liên kết” ở tỉnh Đồng Tháp đang được kỳ vọng là lối ra của sản xuất lúa gạo bền vững (Ảnh: Tintuc)

Từ năm 2011 đến nay, quy mô làm liên kết đã tăng nhanh ở Đồng Tháp. Ông Hùng dẫn chứng: Năm 2011, toàn tỉnh mới tổ chức thực hiện liên kết được 2.400 ha ruộng đồng, quy mô doanh nghiệp thu mua lúa khoảng 800 tấn. Đến 2012, quy mô tăng lên 17.000 ha, và đến hết tháng 7/2013, diện tích liên kết tăng lên 43.000 ha, sản lượng doanh nghiệp tiêu thụ theo hợp đồng là trên 90.000 tấn.

Lợi ích thiết thực mà phương thức sản xuất liên kết mang lại là bà con làm lúa yên tâm hơn, lợi ích nhiều hơn. Đơn cử, khi tham gia cánh đồng liên kết giữa nông dân và Công ty TNHH xuất nhập khẩu Võ Thị Thu Hà, bà con bán được giá lúa cao hơn thị trường 200 đồng/kg. Với năng suất bình quân 6 tấn/ha, cả tỉnh có gần 3.000 ha đã liên kết với công ty này, mỗi vụ bà con nông dân đã có thêm lợi  nhuận 3,5 tỷ đồng. 

Còn tại huyện Tân Hồng, nông dân liên kết với Công ty Tân Hồng (thuộc Công ty Bảo vệ thực vật An Giang) được 4 vụ nay. Tham gia liên kết, bà con được công ty cung ứng giống, vật tư phân bón từ đầu vụ, đưa nhân viên kỹ thuật hỗ trợ bà con suốt quá trình canh tác và tổ chức thu mua lại lúa của bà con khi thu hoạch.

Quy trình khép kín này bước đầu đã đem lại hiệu quả cao hơn trước làm phân tán. Vì thế, số lượng bà con nông dân và diện tích đất canh tác tham gia liên kết với BVTV An Giang đã tăng gấp 7 lần tính từ vụ Đông Xuân 2011 đến 2012.

Nhìn chung, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hầu hết nông dân đều có thu nhập cao hơn bên ngoài. Ông Võ Tấn Sỹ, ở Ấp K8, xã Phú Đức, huyện Tam Nông chia sẻ: Nhà có 1,3 mẫu ruộng. Từ khi tham gia cánh đồng liên kết thấy lợi ích tăng hơn hẳn. Bán lúa không lo bị thương lái ép giá, mà biết trước giá bán lúa cho doanh nghiệp sẽ cao hơn thị trường. Mỗi năm ông Sỹ thu nhập từ lúa cũng được 50 triệu đồng, và làm thêm việc khác nữa, sống khỏe. Ông Sỹ thấy hài lòng với mô hình này và mong nhiều bà con được tham gia liên kết.  

Ông Lê Minh Hoan cho rằng, ‘cánh đồng liên kết’ được Đồng Tháp xây dựng bước đầu cho phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Vì cái đích đến không phải cánh đồng lớn hay nhỏ mà là sự hợp tác, liên kết của những người sản xuất trong từng vùng nguyên liệu và sự liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp. Đó mới chính là sự bền vững và là mục tiêu cuối cùng của tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp.

Thận trọng khi ký kết hợp đồng

Theo đánh giá của TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn (Bộ NN-PTNT), ‘cánh đồng mẫu lớn’ nhấn mạnh vào quy mô sản xuất hàng hóa lớn, còn ‘cánh đồng liên kết’ nhấn mạnh khía cạnh liên kết giữa các tác nhân với nhau. Tức là ‘cánh đồng liên kết’ chỉ về nội dung tổ chức sản xuất nhiều hơn. Đây là cách diễn giải rất hay.

Trong mô hình liên kết, “người nông dân phải liên kết với nhau trong hình thức kinh tế hợp tác; giữa người nông dân và doanh nhân gắn kết với nhau trong các hình thức không phải chỉ liên kết hai chiều mà là đa chiều để vừa xử lý đầu vào, vừa xử lý đầu ra và xây dựng chuỗi giá trị”- ông Sơn nhấn mạnh.

Đồng ý với hiệu quả thiết thực mà mô hình này đang mang lại, nhưng ông Nhị Văn Khải, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cũng chỉ ra một thực tế khó khăn là: Số doanh nghiệp tham gia liên kết chưa nhiều. Bởi vì, tư thế tham gia cánh đồng liên kết của cả nhiều doanh nghiệp và nông dân chưa sẵn sàng. Điều này xuất phát từ hiện trạng ngành làm lúa gạo xưa nay cắt khúc giữa nông dân sản xuất lúa và doanh nghiệp lo xuất khẩu. Cho nên, các điều kiện cho bắt đầu liên kết của nông dân còn thiếu nhiều thứ (hạ tầng nội đồng, giống chất lượng cao), còn doanh nghiệp cũng chủ yếu nếp cũ lo giai đoạn cuối là xuất khẩu. Vì thế, về phương thức thu mua, phương tiện vận chuyển, kho bãi của nhiều doanh nghiệp còn thiếu.

Ngoài những phát sinh vướng mắc như trên, thực tế khi nông dân bán lúa cho các doanh nghiệp liên kết cũng có lúc ghe chở lúa phải nằm chờ nhiều ngày công ty mới nhập kho được. Khi đó, nhiều bà con cảm thấy bị phiền hà. Vì thế, dù đã cso hợp đồng với doanh nghiệp, nhưng nhiều bà con vẫn có lúc bán lúa ra ngoài khi giá lúa lên cao hơn giá công ty mua, quá trình mua – bán nhanh hơn...

Vì thế, ông Khải đề nghị, khi liên kết, việc đầu tiên là phải có hợp đồng, trong đó phải thể hiện rõ các điểm để hai bên cùng vận hành. Nếu hai bên không hiểu nhau, không cùng thực hiện đúng hợp đồng thì sẽ trục trặc.

Sau các sự cố nêu trên, theo ông Khải, doanh nghiệp phải tăng cường năng lực khu trữ, tốc độ thu mua; linh hoạt trong giải pháp kỹ thuật xử lý nông sản... so với hợp đồng ký kết.

Còn ông Hoan đặc biệt lưu ý “bàn con phải tự bảo vệ mình trước, xem xét cẩn thận hợp đồng trước khi ký kết, nếu không đủ năng lực tự xem thì nhờ chuyên gia tư vấn để tránh rủi ro”.

Hơn nữa, ông Hoan cũng khuyến cáo bà con không tham gia liên kết với suy nghĩ rằng, vào liên kết là giá lúa gạo lập tức tăng cao. “Cánh đồng liên kết không quyết định được giá cả. Nó là giải pháp để giảm giá thành, cắt bớt trung gian để lợi nhuận của bà con hợp lý nhất. Cái lợi của cánh đồng liên kết là sản xuất biết trước đầu ra. Sản xuất theo thị trường, mà doanh nghiệp có thông tin về thị trường. Doanh nghiệp biết nhu cầu, chủng loại, phẩm chất, quy mô... thì mới đặt hàng người nông dân sản xuất.

Rõ ràng, ‘cánh đồng liên kết’ đang có lan tỏa tích cực nhưng cũng vẫn còn các điểm nghẽn mà nguyên nhân có thể xuất phát từ tất cả các bên./.

VOV online trân trọng là cầu nối để Đồng Tháp và cả nước chung sức “trả nợ” nông dân sao cho hiệu quả.Mọi ý kiến đóng góp cho cho lộ trình Tái cơ cấu nông nghiệp, vui lòng nhập vào Ý KIẾN BẠN ĐỌC ngay cuối bài viết hoặc gửi tới hộp thư noidung@vovnews.vn, hay gửi trực tiếp tới hòm thư điện tử của TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn- Trưởng nhóm nghiên cứu “Đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030”; Email:dangkimson@ipsard.gov.vn. Trân trọng cảm ơn”./.