Trong Báo cáo giải trình trước Quốc hội sáng 14/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: bất động sản, nhất là nhà ở là một loại hàng tồn kho đặc biệt, liên quan trực tiếp và đang chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số nợ xấu.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ rõ: “Do quản lý yếu kém, thiếu quy hoạch, kế hoạch phù hợp nên thị trường nhà ở phát triển quá nóng, cơ cấu không hợp lý và tình trạng đầu cơ làm dư thừa nguồn cung, nhất là loại nhà ở cao cấp, vượt quá khả năng của phần lớn người có nhu cầu mua nhà để ở”.

bds1img_0876.jpg
Thủ tướng: Giải quyết hàng tồn kho, xử lý nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản có liên quan chặt chẽ với nhau và phải được tiến hành đồng thời với các giải pháp đồng bộ

Trong bối cảnh phải thực hiện chính sách tiền tệ và tài khoá thắt chặt, tổng cầu giảm, làm  thị trường bất động sản bị đóng băng, kéo theo tồn kho lớn về vật liệu xây dựng.

Cùng với các biện pháp tăng tổng cầu, trong đó có cầu về nhà ở và vật liệu xây dựng, xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan đánh giá đúng thực trạng và có phương án cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đồng thời chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, đó là:

1, Mở rộng tín dụng cho vay mua nhà, khuyến khích các tổ chức tín dụng liên kết với chủ dự án để cung cấp tín dụng dài hạn cho người có nhu cầu mua nhà để ở. UBND các tỉnh thành phố tìm nguồn vốn phù hợp để mua lại các khu nhà làm nhà tái định cư, nhà ở xã hội, ký túc xá sinh viên...

2, Rà soát các dự án đã giao để xác định các dự án tạm dừng, dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cho phù hợp và yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện. Cho phép phân nhỏ các căn hộ phù hợp với quy hoạch; khuyến khích hạ giá bán để đáp ứng nhu cầu và khả năng thanh toán của nhiều đối tượng dân cư.

3, Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài nhằm tăng thêm nhu cầu văn phòng làm việc, căn hộ cho thuê; nghiên cứu điều chỉnh chính sách bán nhà cho các đối tượng là người nước ngoài có dự án đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.

4, Tăng cường quản lý nhà nước về thị trường bất động sản. Rà soát lại quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở phù hợp với điều kiện và chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược về nhà ở đã ban hành, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Thủ tướng khẳng định trước Quốc hội: Chính phủ sẽ tiếp tục đề xuất bổ sung hoàn thiện hệ thống luật pháp về quản lý đô thị và kinh doanh bất động sản. Nghiên cứu xây dựng các định chế tài chính mới để hỗ trợ thị trường như Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản... Hoàn thiện các chính sách thuế để hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản và khuyến khích sử dụng tiết kiệm đất.

“Giải quyết hàng tồn kho, xử lý nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản có liên quan chặt chẽ với nhau và phải được tiến hành đồng thời với các giải pháp đồng bộ. Chính phủ coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh./.