Tồn kho bất động sản rất lớn
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng chiều 12/11, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về tình hình thị trường bất động sản đóng băng ảnh hưởng đến nền kinh tế và đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để xử lý vấn đề này.
Trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, tình trạng tồn kho bất động sản là rất lớn, điều đó không chỉ thể hiện qua các số liệu về căn hộ, nhà tồn kho mà còn bao gồm cả những sản phẩm dở dang cũng có khối lượng rất lớn. Đó còn chưa kể đến tồn kho nền đất đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp.
Giải trình về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, quá trình phát triển các công trình bất động sản tự phát, phong trào và thiếu tuân thủ quy hoạch, kế hoạch. Các dự án quá nhiều, vượt xa so với nhu cầu thực của xã hội, của thị trường.
Ngoài ra, cơ cấu bất động sản bất hợp lý, vừa thừa vừa thiếu. Thừa các căn hộ cao cấp, trung bình, thiếu bất động sản đáp ứng nhu cầu của người dân có thu nhập thấp.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng nêu rõ, vốn cho bất động sản chủ yếu dựa vào vay tín dụng và một phần đóng góp của người dân. Chủ đầu tư đa số là chủ doanh nghiệp với vốn chủ sở hữu rất thấp nên khi tín dụng cho bất động sản bị thắt chặt, lãi suất tăng cao thì các chương trình đóng băng do thiếu vốn. Ngoài ra, các cơ chế nguồn tài chính hỗ trợ còn ít.
Sẽ rà soát, phân loại các dự án
Về giải pháp, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, Bộ Xây dựng với trách nhiệm là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý kinh doanh bất động sản đã đề nghị Chính phủ và Chính phủ đã có Chỉ thị về khắc phục khó khăn của thị trường bất động sản, nghị quyết của Quốc hội vừa qua cũng thể hiện rõ quan điểm này.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh sẽ rà soát, phân loại các dự án. Dự án nào chưa giải phóng mặt bằng phải dừng lại, giải phóng mà chưa thực hiện thì giãn tiến độ, còn nếu đang đầu tư hạ tầng thì cần cơ cấu lại giới hạn theo hướng tập trung cho nhà ở xã hội. Cùng với đó là cơ cấu lại các sản phẩm bất động sản tùy theo từng vị trí, đô thị, dự án phù hợp năng lực của người dân thu nhập thấp.
Ngoài ra, các dự án thương mại sẽ được khuyến khích sang nhà ở xã hội. Nhà nước có thể hỗ trợ về thuế, tiền sử dụng đất. Bộ trưởng cũng đề nghị ngân hàng tiếp tục cho vay với người mua nhà ở lần đầu, nhà ở xã hội; đề nghị Quốc hội cho phép miễn giảm thuế VAT với những người mua nhà ở lần đầu.
Một giải pháp nữa được Bộ trưởng đề cập là Bộ Xây dựng tiếp tục chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển đô thị, bất động sản. Trong đó các dự án đô thị phải theo quy hoạch, kế hoạch, được kiểm soát theo đúng quy định pháp luật.
Kiểm soát để quy hoạch đồng bộ
Về vấn đề liên quan phát tiển khu đô thị, trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nêu thực tế có nhiều dự án không đồng bộ về hạ tầng, thiếu hạ tầng trong khi chủ đầu tư đã bán những căn hộ, chuyển quyền sử dụng đất cho người mua, không đảm bảo điều kiện sinh hoạt, học tập.
Bộ trưởng cho biết, trách nhiệm của Bộ Xây dựng là kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, tính quyết định chủ yếu lại là của UBND các tỉnh, thành phố. Những dự án lớn hơn 200ha được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi UBND cấp tỉnh thực hiện chiếm tỷ lệ rất ít (34/2.400 dự án).
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thời gian tới, với việc có các quy định chặt chẽ hơn như phát triển đô thị phải theo quy hoạch, có kế hoạch, lộ trình thực hiện, có ban quản lý đô thị sẽ tránh được việc chủ đầu tư chỉ quan tâm đầu tư công trình cơ bản như xây nhà bán là chính, bán nền đất mà không quan tâm đến hạ tầng như các ý kiến đại biểu đã nêu.
Đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng là nghiêm túc, thẳng thắng, đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, các giải pháp tổng thể được Bộ trưởng nêu ra là đúng. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, cơ quan liên quan khi tổ chức thực hiện theo các giải pháp phải kiên quyết, đặc biệt là giám sát đấu thầu, sau đấu thầu, khắc phục thông thầu bán thầu./.