Dịp Tết năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên phương thức mua hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ Tết cũng có nhiều thay đổi. Việc mua bán trực tuyến được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhằm tránh đến những nơi đông người.

Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các biện pháp phòng chống dịch được áp dụng theo chỉ đạo của các cơ quan chức năng để bảo đảm an toàn cho khách hàng và người bán hàng, giá hàng hóa giữ ổn định, lượng hàng đa dạng cùng với nhiều chương trình khuyến mại được áp dụng nên thu hút được lượng tương đối lớn khách hàng đến mua sắm.

Từ ngày mùng 2, mùng 3 Tết, một số doanh nghiệp phân phối và các hộ kinh doanh cá thể tại các chợ đã bắt đầu mở cửa khai Xuân bán hàng trở lại, nhu cầu hàng hóa trong những ngày này chưa cao và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng phục vụ việc thờ cúng.

Do nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, sức mua không lớn nên giá phần lớn các mặt hàng giữ ổn định so với những ngày cận Tết. Các mặt hàng rau củ quả vụ Đông nguồn cung tốt (thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, sản lượng cao), giá tương đối thấp.

Thị trường nhìn chung không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nguồn cung luôn được bảo đảm, kể cả tại những khu vực cách ly do dịch bệnh Covid-19. Sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 chỉ tăng từ 3-5% so với tháng thường và tăng 7-10% so với cùng kỳ năm 2020.

Kết thúc những ngày nghỉ Tết Tân Sửu 2021, thị trường tiêu dùng hàng hóa thiết yếu cũng đã bắt đầu hoạt động theo nhịp sống thường nhật. Tại các chợ dân sinh, hàng hóa đã được cung ứng khá dồi dào đa dạng, lượng mua tăng không đáng kể, giá hàng hóa không có biến động nhiều.

Đặc biệt dịp Tết năm nay, thời tiết thuận lợi nên sản xuất nông nghiệp ổn định và tăng trưởng tốt đã hỗ trợ cho thị trường mặt hàng thực phẩm Tết Tân Sửu 2021 diễn biến thuận lợi, không có biến động bất thường. Nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên Đán được bảo đảm, không có tình trạng khan hàng hoặc tăng giá bất hợp lý.

Đối với mặt hàng thịt lợn, sau khi ổn định vào cuối năm 2020 đã tiếp tục có xu hướng tăng mạnh trong tháng 1/2021. Tuy nhiên, ngay sau đó, giá mặt hàng thịt lợn đã giảm và ổn định trở lại do nguồn cung dồi dào, ổn định ngay cả trong những ngày sát Tết và ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Giá các sản phẩm thịt bò ổn định trong suốt cả năm 2020 và bắt đầu tăng nhẹ vào giữa tháng 1 năm 2021 do ảnh hưởng bởi giá thịt lợn và nhu cầu tăng. Giá các sản phẩm gia cầm ở mức thấp trong suốt năm 2020, chỉ tăng nhẹ trong đầu tháng 1/2021 và ổn định đến những ngày sát Tết do nguồn cung dồi dào, nhu cầu thấp.

Trong những ngày gần Tết (từ 23 Tết) do các siêu thị tham gia chương trình bình ổn thị trường vẫn giữ giá ổn định và một số siêu thị có chương trình giảm giá bán thực phẩm tươi sống, thịt lợn đông lạnh vào những ngày gần Tết nên giá thịt gà, thịt bò chỉ tăng vào những ngày sát Tết tại các chợ truyền thống do sức mua tăng. Các mặt hàng nông sản thực phẩm khô tăng nhẹ vào khoảng 3 tuần trước Tết sau đó ổn định đến Tết.

Giá các loại rau củ quả có xu hướng giảm so với năm trước, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc, giá một số loại rau vụ đông ở mức thấp so với tháng trước và cùng kỳ năm trước do nguồn cung dồi dào. Giá thịt lợn tăng nhẹ khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg so với cuối năm 2020 nhưng thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 5-7%. Giá thịt bò, thịt gà, thủy hải sản tăng khoảng 10-15% so với các tháng thường trước Tết nhưng chỉ tăng nhẹ hoặc tương đương với Tết Canh Tý 2020.

Tết Âm lịch năm nay người dân có nhiều thời gian mua sắm, chuẩn bị Tết do có 2 ngày nghỉ cuối tuần trước tuần nghỉ Tết và có 2 ngày nghỉ sát Tết (ngày 29 và ngày 30). Đồng thời, người dân không có tâm lý tích trữ thực phẩm trong dịp Tết, thay vào đó vào 10 ngày trước Tết người dân đã tập trung mua sắm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong Tết và tiếp tục kéo dài đến sát Tết.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 đã xuất hiện trở lại vào 2 tuần trước Tết nên thị trường có phần trầm lắng hơn so với mọi năm, các buổi liên hoan tất niên, tổng kết dịp cuối năm bị hoãn, hoạt động của các nhà hàng, quán ăn đình trệ, nhu cầu mua sắm của người dân có phần giảm sút, nhất là tại các địa phương có dịch, phương thức mua hàng trực tuyến tiếp tục được ưa chuộng.

Giá hầu hết các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng nhẹ vào tuần 23 Tết, ổn định trong tuần sau đó và chỉ tiếp tục tăng nhẹ vào cận Tết. Giá thịt gà tăng mạnh cục bộ 10.000 – 20.000 đ/kg vào chiều 30 Tết tại một số nơi nhưng không có hiện tượng bất thường, nguồn cung vẫn đảm bảo.

Đến ngày mùng 2 và mùng 3 Tết, đã có một số siêu thị mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân với mức giá ổn định so với trước Tết; trong khi đó tại các chợ, nhiều tiểu thương bắt đầu bán các mặt hàng rau xanh, thịt, thủy hải sản với giá bán tương đương so với ngày 29-30 Tết.

Nguồn cung mặt hàng thịt lợn đã được bổ sung từ việc tái đàn an toàn và nhập khẩu, một bộ phận người chăn nuôi đã tập trung xuất chuồng vào đúng dịp Tết nên cơ bản bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. So với cùng kỳ năm trước, giá thịt lợn hơi tương đương hoặc thấp hơn từ 3-5% trong khi giá thịt lợn thành phẩm thấp hơn từ 5-7%.

Năm nay, giá thịt bò tăng sớm và ở mức cao hơn so với mọi năm trong khi giá các sản phẩm gia cầm chỉ tăng nhẹ và thấp hơn cùng kỳ năm trước 10-15%. Đến ngày mùng 5 Tết, nhu cầu tiêu dùng và buôn bán mặt hàng này chưa cao nhưng do nguồn cung chưa nhiều, nhất là hải sản tươi sống nên giá tăng nhẹ so với sát Tết.

Sau Tết, giá các loại rau xanh như xu hào, cải bắp, cà chua, súp lơ tại các tỉnh phía Bắc giảm giá mạnh do nguồn cung dồi dào, người nông dân thu hoạch để lấy đất cho việc cấy lúa vụ Đông Xuân. Một số loại trái cây tiêu dùng nhiều trong dịp Tết hầu hết có giá tương đương so với Tết năm trước, một số loại giá thấp hơn khoảng 5-10% như bưởi diễn, cam canh, cam sành.../.