Tiếp tục cập nhật thị trường hàng hóa Tết Nguyên đán Tân Sửu, cho tới thời điểm hiện nay, giá hầu hết các mặt hàng phục vụ Tết không có hiện tượng tăng đột biến. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống đặc biệt sôi động trong những ngày cận Tết do nhu cầu mua sắm tăng mạnh, tuy nhiên giá chỉ tăng nhẹ theo quy luật thị trường.

Năm nay, giá thịt lợn có xu hướng ổn định trong những ngày gần Tết do nguồn cung đã được bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, giá thịt bò, gà tăng từ 5-10% so với ngày thường. Hiện giá thịt lợn mông sấn 130.000-150.000 đồng/kg; giá thịt lợn thăn 140.000-160.000 đồng/kg. Thịt bò thăn loại I từ 290.000-330.000 đồng/kg. Giá gà ta lông 100.000-120.000 đồng/kg. Giá tôm sú (loại 26-30 con/kg) từ 400.000-500.000 đồng/kg...

Giá một số mặt hàng thực phẩm chế biến (giò, bánh chưng) ổn định so với ngày thường. Giá giò lụa hiện phổ biến từ 160.000 – 190.000 đồng/kg, giá giò bò khoảng 280.000-320.000 đồng/kg, giá bánh chưng giao động từ 50.000-70.000 đồng/cái (tùy vào kích cỡ, khối lượng).

Giá của các mặt hàng nông sản khô không tăng so với ngày thường, hiện miến dong dao động từ 50.000-60.000 đồng/kg, giá nấm hương hiện phổ biến ở mức 350.000 – 400.000 đồng/kg; mộc nhĩ từ 150.000 – 200.000 đồng/kg; đỗ xanh 42.000 – 50.000 đồng/kg; măng khô từ 200.000 – 280.000 đồng/kg…

Giá các mặt hàng rượu bia, bánh mứt kẹo tương đối ổn định so với ngày thường. Bia lon Hà Nội giá từ 220.000-240.000 đồng/thùng; bia lon Saigon giá từ 230.000-250.000 đồng/thùng; bia lon Heniken giá từ 380.000-400.000 đồng/thùng; Cocacola giá từ 180.000-190.000 đồng/thùng; Vodka Hà Nội 750ml giá từ 65.000-70.000 đồng/chai; Mứt Hà Nội giá từ 50.000-60.000 đồng/hộp 200-300gram; Hạt bí giá từ 140.000- 160.000 đồng/kg.

Do thời tiết thuận lợi nên nguồn cung rau củ quả khá dồi dào, đa dạng nên giá hầu hết các loại rau củ quả đều có xu hướng thấp hơn so với Tết năm trước, đặc biệt là các loại trái cây có múi như cam, bưởi, các loại rau, củ, quả vụ Đông. Giá bắp cải tại chợ dân sinh từ 7.000-12.000 đồng/kg, su hào từ 3.000-6.000 đồng/củ, xà lách 10.000-20.000 đồng/kg, cà chua từ 5.000-15.000 đồng/kg, khoai tây từ 15.000-25.000 đồng/kg, súp lơ từ 5.000-12.000 đồng/cây...

Giá một số loại trái cây ngon để thắp hương, bày mâm ngũ quả trong dịp Tết như cam canh, quýt đường, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa... tăng nhẹ so với ngày thường. Bưởi diễn loại thường có giá từ 20.000 - 35.000 đồng/quả; Cam canh (loại 1) 60.000 - 70.000 đồng/kg; Xoài Cát Chu từ 50.000 - 65.000 đồng/kg; Quýt từ ​​​ 40.000 - 50.000 đồng/kg; Dưa hấu 20.000 - 25.000 đồng/kg; Bưởi Năm roi từ 40.000 - 50.000 đồng/kg; Bưởi Da xanh từ 60.000 - 80.000 đồng/kg.

Đáng chú ý, sức mua các loại hoa, cây cảnh đã bắt đầu tăng nhẹ so với những ngày trước do nhu cầu mua sắm của người dân có xu hướng tăng. Giá hoa ly từ 300.000 - 350.000 đồng/chục cành; Lay ơn từ 80.000 - 120.000 đồng/chục; cúc đại đóa khoảng 30.000 - 50.000 đồng/chục; hoa hồng 50.000 - 60.000 đồng/chục.

Tại các siêu thị lớn như Vinmart, Big C, Lotte Mart, Co.op mart…lượng hàng hóa bánh kẹo được sản xuất trong nước chiếm trên 80%, phần còn lại được nhập khẩu từ các nước trên thế giới. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hàng, các DN bán lẻ đã có kế hoạch sản xuất và dự trữ một lượng hàng hóa lớn.

Đồng thời, các DN cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mại và truyền thông để người tiêu dùng biết và mua sắm, đảm bảo ổn định nguồn cung và giá cả hợp lý trong dịp Tết. Các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích đều cam kết mở cửa phục vụ người dân tới ngày 30 Tết, và mở cửa trở lại phục vụ sau Tết sớm góp phần hạn chế tâm lý mua trữ hàng của người dân.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đến thời điểm này nhu cầu mua sắm Tết tại hầu hết các tỉnh, thành phố khá nhộn nhịp và tăng so với ngày thường. So với Tết năm trước, giá cả và nhu cầu mua sắm của người dân có xu hướng thấp hơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt tại các địa phương có ổ dịch bùng phát.

Trong những ngày qua, nguồn cung các mặt hàng phục vụ Tết tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích khá phong phú, đa dạng kết hợp với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá nên giá cả hàng hoá tương đối ổn định, thu hút khá đông người mua hàng do phát huy lợi thế vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa và giá cả bình ổn.

Tại các chợ dân sinh, hàng hóa tương đối dồi dào để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Nhu cầu mua sắm trong những ngày cận Tết chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, đồ uống, hoa, quả tươi... Mặt hàng cây cảnh, đào, quất, hoa các loại đa dạng, phong phú về chủng loại, đủ đáp ứng nhu cầu chơi Tết của nhân dân.

Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về các khu tái định cư, các khu công nghiệp, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa trong đó tập trung chủ yếu vào hàng trong nước, trong tỉnh sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết cổ truyền./.