Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và một số cơ quan ngoại giao, cùng gần 200 nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới, có diện tích tự nhiên trên 9.000 km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm gần 60%, dân số gần 47 vạn người. Xác định nông nghiệp là lĩnh vực trọng điểm, những năm qua, địa phương đã tập trung tuyên truyền về chủ trương này; đồng thời, ban hành nhiều nghị quyết, chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp phát triển.

Năm 2020 vừa qua, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh đã đạt trên 3.200 tỷ đồng, tăng 8,5 lần so với năm 2004. Đến nay, Lai Châu đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: trên 8.000 ha chè, gần 13.000 ha cao su, trên 5.000 ha mắc ca, 4.000 ha chuối và gần 120 sản phẩm OCOP ở các xã...

Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, cơ quan ngoại giao, các tổ chức, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của tỉnh Lai Châu, cam kết đồng hành cùng địa phương trong phát triển ngành nông nghiệp thời gian tới. Đồng thời, mong muốn chính quyền Lai Châu sẽ tìm ra và giải quyết các điểm nghẽn trong thực thi chính sách tại địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan mong muốn, các doanh nghiệp đến với Lai Châu hãy bắt đầu hành trình kết nối trái tim, coi nông nghiệp là sinh mạng, nông thôn là tương lai để quan tâm xây dựng phát triển nền nông nghiệp xanh, xây dựng nông thôn mới với lối sống thân thiện, hòa hợp với môi trường.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các nhà đầu tư chuyển từ phát triển đơn ngành sang mục tiêu phát triển tích hợp liên ngành; từ mục tiêu đơn giá trị sang mục tiêu tích hợp đa giá trị. Chính quyền tỉnh Lai Châu cần quan tâm chuyển hướng chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang chuỗi liên kết giá trị ngành hàng; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực từ nông dân, từng bước nâng cao dân trí, hướng đến thái độ sống tích cực, chú trọng kinh tế nông thôn.

Lãnh đạo tỉnh Lai Châu khẳng định, địa phương mong muốn được tiếp nhận, chuyển giao các dự án sản xuất, chế biến ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp. Địa phương cũng hướng tới mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, tăng năng suất, giá trị sản phẩm; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là người dân nông thôn, hướng tới mục tiêu hợp tác cùng phát triển.

Cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Lai Châu cam kết sẽ phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động tại địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng khẳng định: Địa phương sẵn sàng đồng hành cùng các nhà đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận các chính sách của tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu giảm tối đa các thủ tục hành chính để thu hút đầu tư; cung cấp đủ lao động có chất lượng, phù hợp với hoạt động đầu tư, hỗ trợ đào tạo lao động, đảm bảo an ninh trật tự khi các nhà đầu tư thực hiện các dự án tại địa phương...

Tại hội nghị, UBND tỉnh Lai Châu đã công bố gần 120 dự án mời gọi đầu tư, trao 8 quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn 1.220 tỷ đồng cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Lai Châu, các hiệp hội, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã ký 17 biên bản hợp tác, với mục tiêu đưa nông nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương./.