Cân nhắc việc giảm thuế nhập khẩu ô tô; xóa nợ thuế cho các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa… là chủ đề được các Đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến tại phiên thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; Dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

Doanh nghiệp ô tô nước ngoài có thể hưởng lợi kép

Góp ý kiến về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô nhập khẩu, Đại biểu Hồ Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) nhận định, việc giảm thuế TTĐB với ô tô cần phải được cân nhắc để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cũng như nhà nước.

Đại biểu đề nghị nên giữ nguyên mức thuế suất như hiện nay hoặc giảm ở mức thấp, bởi từ nay đến năm 2018 Việt Nam phải giảm thuế ô tô theo cam kết với các nước ASEAN. Trong khi ngành sản xuất ô tô trong nước đang có mức chi phí sản xuất, lắp ráp cao hơn 20% so với các nước trong khu vực, nếu giảm thuế sẽ không thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trước sức ép cạnh tranh. “Không cẩn thận doanh nghiệp ô tô nước ngoài sẽ được lợi kép tư việc giảm thuế này”, Đại biểu Hồ Thị Thủy cảnh báo.

 

ho_thi_thuy_knhd.jpg
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị nên giữ nguyên mức thuế nhập khẩu ô tô như hiện nay hoặc giảm ở mức thấp.
Ngoài ra, theo Đại biểu Hồ Thị Thủy, việc thu ngân sách cũng sẽ gặp bất lợi vì dòng xe nhỏ được giảm thuế trong khi dòng xe này chiếm hơn 70% thị phần. Cùng với đó, khi giảm thuế, xe được nhập khaảu ồ ạt sẽ gây áp lực lên hạ tầng giao thông và việc làm của người lao động.

“Việc ban hành chính sách cần hài hòa đảm bảo lợi ích của các bên liên quan. Khi thị trường ô tô chưa đủ lớn thì nhà nước cần phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước, có như vậy mới thúc đẩy được ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt” Đại biểu Thủy nói.

Ngoài sự băn khoăn về việc giảm thuế đối với ô tô nhập khẩu sẽ khuyến khích tiêu dùng, trong khi hạ tầng đô thị không đảm bảo, các Đại biểu Đặng Thế Vinh (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang); Đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) và Đại biểu Dương Hoàng Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) đều cùng có chung đề nghị: Cần tính toán và cân nhắc thêm tác động từ việc giảm thuế ô tô đến đến quá trình cân đối ngân sách.

Các đại biểu cho rằng, khi giảm thuế nhập khẩu ô tô, chắc chắn sẽ làm Ngân sách Nhà nước giảm nguồn thu. Hơn nữa, cần phải đánh giá đến hạ tầng giao thông sẽ bị tác động thế nào, nhất là khi giảm thuế cho các dòng xe phổ thông vừa tiền, nguy cơ sẽ dẫn đến tình trạng bùng nổ số lượng ô tô trong thời gian ngắn.

Cho rằng việc các loại xe có dung tích từ  2.500 phân khối đều được giảm mức thuế lớn sẽ phù hợp với tâm lý tiết kiệm của người dân, số lượng tiêu thụ xe ô tô sẽ tăng đột biến, trong khi đó, các loại xe từ 3.000 phân khối trở lên lại tăng ko cao nhưng tỷ lệ bán thấp, Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đề nghị Quốc hội cần cân nhắc thêm cho nguồn thu Ngân sách Nhà nước trong bối cảnh giá dầu thô giảm, cũng như hàng loạt các dòng thuế xuất nhập khẩu sẽ giảm theo cam kết của các Hiệp định thương mại tự do.

Doanh nghiệp thua lỗ không thể để người dân gánh chịu

“Không xóa nợ thuế cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khi cổ phần hóa” cũng là kiến nghị của nhiều Đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế. Các đại biểu cho rằng, không thể có chuyện doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuận lợi, có lãi thì được hưởng, đến khi lỗ thì nhà nước lại phải gánh chịu. Trong khi đó, tiền của nhà nước thực chất chính là tiền của nhân dân, nên không thể bắt dân gánh chịu.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đoàn ĐBQH đoàn Đồng Nai) không đồng tình với việc xoá các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế là DNNN thuộc danh sách cổ phần hóa, giao bán, sáp nhập, sắp xếp lại do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt như trong Dự thảo Luật quy định.

Theo đại biểu, quy định xóa tiền nợ thuế đối với trường hợp DNNN đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu mà khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, giao, bán, khoán, cho thuê cơ quan có thẩm quyền chưa xác định số thuế nợ trong giá trị của doanh nghiệp và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt này là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

“Đây là những trường hợp cá biệt vẫn cần được xem xét cụ thể từng trường hợp, không nên quy định trong luật hay Nghị quyết thành một chính sách thường xuyên, phổ biến. Không thể chấp nhận việc lợi thì doanh nghiệp hưởng mà lỗ thì bắt nhà nước chịu cũng tức là dân phải gánh chịu”, Đại biểu Trương Văn Vở cương quyết phản đối.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đoàn ĐBQH đoàn Đồng Nai) không đồng tình với việc xoá các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế là DNNN.
Đồng quan điểm không xóa nợ, Đại biểu Danh Út (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) không đồng tình việc thiếu nợ là xóa hết và không  chỉ xóa thuế cho DNNN. Bởi như vậy sẽ là không công bằng và bất bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.

“Nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thậm chí có tiêu cực mà vẫn được xóa nợ là không khuyến khích doanh nghiệp cá nhân làm ăn có hiệu quả. Nợ thuế là nội dung mang tính cá biệt, không nên đưa vào luật sẽ khó thực hiện. Nên bổ sung vào nghị quyết về dự toán hàng năm và không nên đưa vào luật”, Đại biểu Danh Út chỉ rõ.

Không tán thành với quy định xóa nợ thuế cho DNNN, Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng, tờ trình đã không nêu rõ có bao nhiêu doanh nghiệp, tổng số thuế là bao nhiêu. Đại biểu cũng đề nghị không đưa quy định này vào Luật để tạo thành chính sách thường xuyên.

“Cho DNNN xóa nợ thuế có thể làm qúa trình cổ phần hóa thuận lợi đôi chút, nhưng phương án này làm cho giá trị doanh nghiệp không được xác định đúng, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và người tiếp quản tiếp theo. Doanh nghiệp cũng có thể cố trình trì hoãn và có tâm lý trông chờ vào cổ phần hóa để được xóa nợ. Đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền khi chưa xác định số thuế phải nợ, giao, bán khoán…”, Đại biểu Hường bày tỏ ý kiến./.