Thời điểm này, đang bắt đầu mùa hè, đây cũng là dịp nhiều cửa hàng thời trang đưa ra nhiều hình thức khuyến mãi như: mua 1 tặng 1, giảm giá sản phẩm từ 5 đến 10%, thậm chí có nơi lên tới 50% hay “thanh lý toàn bộ sản phẩm"... để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, không phải hình thức khuyến mãi nào người tiêu dùng cũng được hưởng lợi.

Dọc các tuyến phố Cầu Giấy, Chùa Bộc, Đội Cấn, Phạm Ngọc Thạch...(Hà Nội) dễ dàng bắt gặp nhiều tấm biển quảng cáo của những cửa hàng quần áo thời trang: “Giá sốc - thanh lý toàn bộ cửa hàng”, “Xả hàng, giảm 50% tất cả các sản phẩm, “hàng đẹp, giá siêu rẻ”…. Hình thức giảm giá không chỉ ở những cửa hàng nhỏ lẻ mà ngay cả những cửa hàng lớn, có thương hiệu cũng áp dụng với giá giảm từ 10 đến 30% tùy mặt hàng. Thậm chí, ngay trên vỉa hè, chợ cóc có đủ loại quần giá rẻ, từ quần áo được đổ đống đến những chiếc áo sơ mi Sài Gòn được đóng túi cẩn thận, gấp vuông vắn được quảng cáo với giá mỗi chiếc có 30.000 đồng, áo phông cộc tay có giá là 15.000 đồng/chiếc...

hangkhuenmai.jpg
Nhiều hàng hóa liên tục được khuyến mãi (Ảnh minh họa: Tuổi trẻ)

Chị Ngô Thị Hồng Thương, quản lý cửa hàng trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy cho biết: Trước xu hướng cửa hàng mở ra ngày càng nhiều nên cần có chiến lược kinh doanh để thu hút khách hàng. Trong đó, hình thức giảm giá luôn là phương thức hiệu quả nhất.

“Tâm lý của người tiêu dùng mà, có thể hàng đó không giảm giá được bao nhiêu nhưng cứ là hàng giảm giá thì mọi người vẫn quan tâm. Thường thì cửa hàng giảm giá từ 20 đến 40%. Vì, mỗi đợt sẽ tích lại những hàng khó mặc thì cửa hàng buộc phải giảm giá để thu hồi vốn. Còn những mặt hàng theo mốt từng năm thì có thể giữ lại để bán vào đầu năm sau, bởi trong kinh doanh lợi nhuận vẫn là quan trọng nhất”- chị Thương cho biết.

Thực tế, thời gian qua hình thức giảm giá đã đánh trúng tâm lý của nhiều người tiêu dùng là thích mua đồ giá rẻ, đồ khuyến mãi, nên áp dụng hình thức này thì cửa hàng dễ thu lợi nhuận, thu hồi vốn nhanh. Hầu hết những mặt hàng giảm giá là những sản phẩm lỗi mốt, tồn kho. Nhiều mặt hàng kém chất lượng được bày bán dưới hình thức giảm giá, trong khi giá cả thực không được giảm là bao nhiêu, nhất là đối với những đồ hàng hiệu, hàng nhái hiệu.

Không chỉ có giá cả, mà ngay cả chất lượng của những mặt hàng giảm giá này cũng là điều đáng lo ngại. Nếu để ý kỹ, nhiều sản phẩm quần áo giảm giá bày bán bị ố màu, khi giặt thì phai màu, chất vải dễ nhăn nhúm, đường may ẩu nên khẽ giật nhẹ là sứt chỉ. Sinh viên Lê Khánh Linh, trường Học viện Ngân hàng tâm sự: không ít lần vì thấy quần áo “thanh lý”, giảm tới 70% nên mua về sử dụng, nhưng chỉ sử dụng được hai tháng là hỏng. Vì thế, nếu như để dành tiền ba sản phẩm giảm giá là có thể mua được sản phẩm như ý.

“Những hàng giảm giá thì thứ nhất là quá mốt, thứ hai là chất liệu không đẹp. Có thể là hàng lỗi hàng tồn nên được giảm. Việc chọn những hàng như này thì cần xem kỹ chất liệu. Bản thân là sinh viên nên cũng chọn những mặt hàng này vì hợp với túi tiền” - sinh viên Lê Khánh Linh cho biết.

Hàng giảm giá, khuyến mãi, nếu lựa chọn kỹ và mua đúng chỗ, thì vẫn có thể mua được những món đồ ưng ý, giá hợp lý. Nhưng nếu chủ quan, không kiểm tra kỹ sẽ dễ mua phải hàng chất lượng không xứng với giá tiền, hoặc bị mua đắt. Vì thế, kinh nghiệm mua hàng giảm giá, khuyến mãi là nên chú ý lựa chọn đồ thật kỹ trước khi mua, nên chọn những cửa hàng đông người vào mua, hay những cửa hàng có thương hiệu, để phần nào chất lượng được đảm bảo. Với những món hàng có giá trị lớn, nên tham khảo ở nhiều nơi để có sự so sánh, giá cả, chất lượng trước khi quyết định mua./.