Hôm qua (23/10), Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho biết, Thái Lan chỉ đưa ra quyết định có gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng của 12 nước thành viên tham gia đàm phán hôm 5/10, trong đó có 4 quốc gia thành viên khu vực ASEAN là Việt Nam, Singapore, Malaysia và Brunei. Khi hoàn thành TPP sẽ ảnh hưởng đến gần 40% sản lượng kinh tế của cả thế giới và 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu từ các quốc gia thành viên.

TPP triển vọng sẽ ưu việt hơn hẳn WTO do thiết lập được các luật quốc tế với phạm vi can thiệp sâu hơn như: chính sách đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát các công ty nhà nước, chất lượng sản phẩm và lao động… Theo kết quả nghiên cứu, dự báo của các chuyên gia kinh tế, nếu gia nhập TPP, Thái Lan sẽ là một trong những thành viên hưởng lợi lớn nhất của tổ chức này, chỉ sau Việt Nam.

Trước những ý kiến cho rằng, Thái lan sẽ bỏ lỡ những cơ hội để mở rộng, tiếp cận thị trường của các thành viên TPP, mất nhiều lợi ích thương mại đối với các mặt hàng thế mạnh của Thái Lan như ngành thủy sản, nông sản, công nghiệp xây dựng, dệt may, da giày cũng như các ngành dịch vụ và du lịch, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khắc phục những khó khăn hiện nay.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho biết, gia nhập TPP sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức mà các doanh nghiệp Thái Lan phải vượt qua. Do đó, các bộ, ban ngành liên quan đang nghiên cứu chi tiết các thỏa thuận để có đánh giá, dự báo về những lợi ích và khó khăn khi gia nhập TPP. Trên cơ sở đó, Chính phủ Thái Lan sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào năm 2017, đây cũng là thời điểm Thái Lan sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử theo dự kiến.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cũng cho biết, Thái Lan đang xúc tiến Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), gồm 16 quốc gia - Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, và 10 nước thành viên ASEAN. Nếu hoàn tất tổ chức kinh tế này thậm chí còn lớn hơn TPP với gần một nửa dân số thế giới. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực được kì vọng sẽ mang lại những cơ hội to lớn cho tất cả các thành viên, trong đó, Thái Lan với các ngành nghề thế mạnh như thủy sản, nông sản, dịch vụ, du lịch,.. sẽ là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất thông qua việc tiếp cận các thị trường đầu tư và xuất khẩu tới các nước thành viên.

Ngoài ra, việc tham gia các cộng đồng kinh tế khác như ASEAN, ASEAN +3 giúp Thái Lan ký kết thỏa thuận thương mại tự do với nhiều nước khác. Trong số 12 thành viện TPP hiện nay, chỉ còn 3 nước Thái Lan chưa có thỏa thuận thương mại tự do là Mỹ, Mexico và Canada. Vì vậy, việc Thái Lan chưa gia nhập TPP sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc làm mất lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Thái Lan với doanh nghiệp các nước khác trong khu vực, thậm chí cũng chưa phải là muộn nếu tới năm 2017 Thái Lan mới xin gia nhập TPP./.