Theo phân tích mới nhất của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nguy cơ sau khi TPP được các nước thành viên thông qua chính thức, dòng vốn nóng có thể tăng mạnh vào thị trường nội địa và gây áp lực tăng lên tiền đồng và thu hẹp sản xuất xuất khẩu trong thời gian tới.
Vốn ngoại tăng nóng có thể gây áp lực tăng lên tiền đồng(Ảnh minh họa: KT) |
Cụ thể: Việc đồng CNY phá giá ngày 11/8 đã châm ngòi cho những biến động mạnh trên thị trường ngoại hối. Chung phản ứng với các nước trong khu vực, Việt Nam nhanh chóng điều chỉnh mạnh giá trị đồng nội tệ, tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới biên độ giao dịch từ ±1% lên mức ±3%.
Mặc dù đã vượt mức biên độ điều chỉnh 2% cam kết trong năm 2015, giá trị danh nghĩa của đồng nội tệ so với USD vẫn cao hơn đáng kể so với kỳ vọng thị trường. Cầu USD tăng mạnh khiến NHNN phải cung ứng một lượng lớn ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối, đồng thời áp dụng các biện pháp xiết chặt việc mua ngoại tệ. Cùng với đó, Thông tư 15/2015/TT-NHNN chỉ cho phép các nhà nhập khẩu được mua ngoại tệ giao ngay 2 ngày trước thời điểm thanh toán. Quy định này cùng với việc giảm lãi suất tiền gửi USD tuy có tác động nhất định làm giảm một phần đầu cơ ngoại tệ, VEPR cho rằng cần thiết lập một cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt và hiệu quả hơn. Thực tế cho thấy việc tiếp tục cam kết cứng không điều chỉnh tỷ giá đến đầu năm 2016 đã không định hướng được những kỳ vọng của thị trường sau sự kiện 11/8.
Môi trường quốc tế được dự báo sẽ ổn định trong một hoặc hai quý tiếp theo khi triển vọng thắt chặt tiền tệ của FED đã được phản ánh vào giá trị của đồng USD, chỉ số USD index có thể đã lên mức đỉnh vào Quý 2/2015 và diễn biến theo xu hướng ổn định trong thời gian tới. Trung Quốc cũng đã hoàn tất phần lớn quá trình điều chỉnh giá trị đồng CNY và có nhiều động lực giữ ổn định tỷ giá danh nghĩa đồng CNY.
Mặc dù vậy, VEPR lưu ý về nguy cơ sau khi đàm phán TPP hoàn tất và nhiều khả năng sẽ được các nước thành viên thông qua chính thức, dòng vốn nóng có thể tăng mạnh vào thị trường nội địa và gây áp lực tăng lên tiền đồng và thu hẹp sản xuất xuất khẩu trong thời gian tới.
Đặc biệt, VEPR còn lưu ý, Việt Nam đang nằm ở vị thế trái ngược với các thị trường mới nổi khác trong khu vực vốn đang đối mặt với dòng vốn nóng rút ra. Do nền tảng vĩ mô kém, Việt Nam hầu như đã đứng ngoài dòng vốn nóng quy mô lớn chảy vào của các quốc gia trong khu vực giai đoạn 2010-2013. Giá tài sản ở Việt Nam ít tăng giá giai đoạn sau giai đoạn khủng hoảng, do đó có thể trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư ngắn hạn nước ngoài./.